Hệ lụy khó tránh khỏi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan hệ song phương của Mỹ với Nga và Trung Quốc hiện đang trong tình cảnh nghịch lý rất đặc biệt.

Mỹ ở một phía và Trung Quốc, Nga ở một phía đều cần duy trì hợp tác, tiếp xúc và đối thoại với nhau, nhưng trắc trở và bất hòa, căng thẳng và đối đầu lại  không chỉ vẫn còn rất cơ bản mà thậm chí lại có chiều hướng gia tăng. Lo ngại của bên này về nguy cơ bị bên kia đe dọa an ninh và làm tổn hại lợi ích chiến lược hiện rất sâu sắc. Mức độ không tin tưởng nhau hiện không phải là thấp và càng không phải không rõ ràng. Hệ luỵ khó tránh khỏi của tình trạng đó là cả ba phải điều chỉnh chiến lược chung và chính sách đối với nhau. Mỹ đã đi đầu trong số ấy. Sự điều chỉnh của Mỹ hoặc ít nhất ý tưởng và định hướng điều chỉnh chiến lược của Mỹ được thể hiện trong những phát biểu gần đây nhất của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Aston Carter.
Hệ lụy khó tránh khỏi - Ảnh 1
Ông Carter nhìn nhận Nga và Trung Quốc là những mối đe dọa tiềm tàng nhất đối với trật tự thế giới hiện tại. Ở đây phải hiểu ngầm ý của ông Carter là như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích chiến lược lâu dài của Mỹ. Ông Carter không dừng lại ở phát ngôn ấy mà còn nói rõ Nga với những gì đã và đang làm ở Ukraine và Vùng Vịnh cùng Trung Quốc với những gì Trung Quốc đã và đang làm ở khu vực Biển Đông thật sự đe doạ trật tự thế giới hiện tại.

Để đối phó Nga và Trung Quốc nhằm cứu vãn trật tự thế giới ấy, ông Carter đưa ra ba định hướng giải pháp. Thứ nhất, Mỹ phải tăng cường vũ trang, hiện đại hoá quân đội, bố trí chiến lược lại, thực thi cách thức phòng thủ và tiến hành chiến trang mới, và đặc biệt là tăng cường, hiện đại hoá tiềm lực vũ khí hạt nhân, tiến hành chiến tranh bằng máy bay không người lái và trên mạng internet. Thứ hai là không để Nga và Trung Quốc đơn thủ tự tung tự tác ở mọi khu vực trên thế giới, đặc biệt ở vùng Vịnh đối với Nga và ở vùng biển Đông Nam Á cũng như Đông Bắc Á đối với Trung Quốc. Thực chất chiến lược của Mỹ đối với hai đối tác này là tăng cường răn đe và chủ động sẵn sàng ứng phó. Thứ ba là tìm cách tập hợp lực lượng, thành lập liên quân, hình thành liên minh ở những nơi trên thế giới mà hiện bị Nga và Trung Quốc dòm ngó.

Định hướng điều chỉnh chiến lược của Mỹ đối với Nga và Trung Quốc có nguyên nhân ở chỗ Mỹ lo ngại thật sự về lâu dài bị Nga và Trung Quốc thách thức về mọi phương diện. Nhưng đấy là lo ngại về lâu dài chứ hiện tại và cả trong thời gian tới sẽ không thể có chuyện đối địch quân sự trực tiếp giữa Mỹ với Nga hoặc Trung Quốc. Họ đối địch nhau về chính trị và địa chiến lược chứ không về quân sự. Ông Carter vờ ngại thế thôi để biện luận cho việc tăng cường vũ trang chứ mấy nước lớn này đâu có dại gì bây giờ để bùng phát xung đột quân sự song phương với nhau.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần