70 năm giải phóng Thủ đô

Hệ quả tất yếu của chính sách khắc khổ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đêm 9/8, thủ đô London đã yên tĩnh trở lại sau 3 đêm bạo loạn bùng phát từ khu Tottenham nhờ sự hiện diện của 16.000 nhân viên cảnh sát. Thậm chí, Thủ tướng Anh David Cameron đã cho phép cảnh sát nước này được sử dụng vòi rồng để giải tán đám đông.

Làm xấu hình ảnh nước Anh
 
Tuy nhiên, bất ổn đã lan sang các thành phố lớn khác như Manchester, Salford, Liverpool, Wolverhampton, Nottingham, Birmingham... với các cửa hiệu bị đốt phá và hôi của. Đặc biệt mọi chuyện trở nên phức tạp hơn khi có thêm thông tin một thanh niên 26 tuổi bị bắn chết trong xe ở khu Croydon hôm 9/8. Hình ảnh lửa cháy ở nhiều địa điểm tại London bỗng chốc trở thành biểu tượng mang tính tiêu cực về thành phố sẽ đăng cai Thế vận hội Olympic 2012. Nhiều khu phố của London tan hoang như trong chiến tranh với thiệt hại ước tính lên tới hàng chục triệu Bảng khiến Thị trưởng Boris Johnson cảm thấy xót xa và xấu hổ cho hình ảnh của thành phố. Rất may là tại một số khu vực ở London tập trung đông người Việt như Hackney, Peckham và Lewisham không có thiệt hại về người, trong khi thiệt hại về tài sản là không lớn.
 
Thách thức với chính quyền
 
Làn sóng bạo động tồi tệ nhất trong 25 năm qua tại Anh được coi là thách thức lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của Thủ tướng David Cameron do nhiều nhà xã hội học đánh giá đây là hệ quả tất yếu của chính sách khắc khổ mà Chính phủ ban hành. Công đảng cũng không bỏ lỡ cơ hội để chỉ trích đảng Bảo thủ của Thủ tướng đã không quan tâm đến vấn đề thất nghiệp, khiến giới trẻ một số khu vực ngay giữa thủ đô không có việc làm, phải tham gia buôn lậu ma túy và vũ khí. Một số nhà phân tích nhận định, nếu không nhanh chóng ngăn chặn được làn sóng bạo loạn này, Thủ tướng Cameron có thể đi theo vết xe đổ của những chính trị gia từng bị mất việc vì các cuộc xuống đường của thợ mỏ trong thập niên 1970 tại nước này.
 
Mặc dù đang trong kỳ nghỉ hè, nhưng Thủ tướng Cameon buộc phải cắt ngắn chuyến đi để xử lý khủng hoảng. Sau khi đánh giá mức độ thiệt hại, ông Cameron miêu tả cảnh tượng đáng buồn do những kẻ quá khích gây ra là "một tội ác trắng trợn". Thủ tướng cam kết Chính phủ sẽ "quyết tâm để công lý được thi hành" trên phạm vi cả nước, đồng thời cảnh báo những kẻ gây bạo loạn "sẽ cảm thấy rõ sức mạnh của luật pháp". Thủ tướng Anh cũng quyết định triệu tập Quốc hội họp khẩn vào ngày 11/8 để tìm giải pháp giải quyết khủng hoảng.
 
Nguyên nhân sâu xa
 
Các cuộc bạo loạn dù diễn ra tại khu vực nào của London cũng đều tuân theo công thức: từng nhóm thanh thiếu niên rủ rê nhau tập trung và đập phá các cửa hàng, hôi của; quăng bom xăng, đốt xe cảnh sát, nhà dân,... nhằm gây ra cảnh hỗn loạn, thách thức trật tự trị an của các khu dân cư. Vụ biểu tình đòi công lý cho Mark Duggan - lái xe taxi bị bắn chết trong cuộc xô xát với cảnh sát hôm 5/8 chỉ là cái cớ để khơi mào cho những bất ổn bắt nguồn từ nguyên nhân một bộ phận giới trẻ đô thị bị loại ra khỏi sinh hoạt cộng đồng. Theo BBC, tình trạng nghèo khó, tỷ lệ thất nghiệp cao, tình trạng "gia đình không kiểm soát được con cái" khiến các hiện tượng hỗn loạn "lan từ trong nhà ra phố". Gần 700 thanh thiếu niên đã bị bắt trên cả nước trong những ngày qua khiến dư luận nước này hết sức ngạc nhiên, đặc biệt trong số này có những em mới 12 - 13 tuổi hoặc ít hơn.
 
Trong khi đó, tờ Le Monde của Pháp cho rằng tình trạng bạo loạn khó kiểm soát tại một số khu vực của London đã phản ánh "khủng hoảng lòng tin của dân chúng đối với cảnh sát". Đặc biệt, việc giới chức Anh xác nhận Mark Duggan không hề nổ súng trước mà bị cảnh sát bắn chết khiến hình ảnh của cảnh sát Anh xấu đi trong mắt dân chúng.