Hệ thống dịch vụ, thương mại Hà Nội chậm triển khai theo quy hoạch: Chưa có công trình xứng tầm

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 1259 của Thủ tướng Chính phủ (QHC1259), mặc dù công tác quy hoạch và đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ của Hà Nội có kết quả nhất định. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá tiến độ triển khai các quy hoạch, dự án còn chậm, dẫn đến hệ thống này chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Những điểm nhấn nổi bật

Theo định hướng QHC1259,  tại khu vực đô thị trung tâm sẽ xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia tại Mễ Trì (quy mô 120ha). Trung tâm Tài chính - Ngân hàng (khoảng 20ha/khu) và xây dựng mới Trung tâm Hà Nội Expo ở Đông Anh có khoảng 50ha. Xây dựng mới Trung tâm tài chính thương mại quốc tế 50ha tại khu vực Tây Hồ Tây; Xây mới trung tâm dịch vụ thương mại tài chính ngân hàng tại các khu đô thị Hà Đông, Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín - Thanh Trì (khoảng 10-30 ha/1khu). Hình thành mới các trung tâm thương mại tổng hợp cấp thành phố (10 - 15ha/khu) tại Thượng Đình, Vĩnh Tuy… Hình thành mạng lưới các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... theo các cấp phục vụ.

 Một số trung tâm mua sắm hiện đại tại Hà Nội tuy có quy mô lớn song vẫn chưa đạt tiêu chuẩn của thế giới.

Tại những đô thị vệ tinh và thị trấn, xây dựng mới mạng lưới các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... đồng bộ, hiện đại với với số lượng và quy mô theo quy mô của từng đô thị. Khu vực nông thôn sẽ cải tạo và nâng cấp mạng lưới chợ truyền thống. Cùng đó, hình thành mạng lưới trung tâm mua sắm - thương mại dịch vụ tổng hợp, hợp tác xã thương mại, chợ bán lẻ, cửa hàng tiện lợi, tạp hóa....

Ngoài ra, theo quy hoạch cũng sẽ hình thành 2 khu dịch vụ tiếp vận trung chuyển hàng hóa (Logistic) tại Sóc Sơn và Phú Xuyên. Hình thành mạng lưới chợ đầu mối nông sản tổng hợp cấp vùng (diện tích từ 20- 30 ha mỗi chợ) gắn với các vùng nông nghiệp lúa, rau, hoa, quả sản lượng cao tại 5 khu vực: Phía Bắc (Mê Linh), phía Nam (Phú Xuyên), phía Tây (Quốc Oai), phía Đông (Long Biên, Gia Lâm), phía Tây Bắc (Sơn Tây). Xây dựng mạng lưới trung tâm bán buôn và mua sắm cấp vùng (diện tích khoảng 20 ha mỗi trung tâm) gắn với khu vực đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh và các đầu mối giao thông liên Vùng tại Sóc Sơn, Phú Xuyên, Hòa Lạc, Chúc Sơn, Gia Lâm.

Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư xây dựng

Theo đánh giá của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, tiến độ triển khai các quy hoạch, dự án phát triển còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ đề ra, đặc biệt là việc phát triển những chợ đầu mối Logistis phân phối nông sản vùng theo từng khu vực. Việc nâng cấp trung tâm hội chợ triển lãm Giảng Võ và hình thành trung tâm hội chợ tại Mễ Trì chưa thực hiện được theo quy hoạch ban đầu. Một số khu trung tâm thương mại tổng hợp như Thượng Đình (khu Cao Xà Lá) hay một số trung tâm tài chính thương mại, ngân hàng quốc tế tại một số huyện (Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín…) cũng chưa triển khai, hình thành.

Mạng lưới chợ trên địa bàn Hà Nội hiện nay có nhiều hạn chế như mật độ chợ phân bố chưa phù hợp lý, một số chợ phát triển tự phát, không đúng quy hoạch, di dời chợ gặp rất nhiều khó khăn, triển khai quy hoạch còn chậm và chưa đồng bộ. Tại các khu vực ngoại thành nhiều chợ quá tải, xuống cấp, nằm sát kề đường giao thông.  Hiện nhu cầu về chợ đầu mối rất lớn, nhưng còn thiếu và quy hoạch chưa hợp lý, dẫn đến nhiều chợ hạng 2, hạng 3 đang phải hoạt động như chợ đầu mối. Điển hình như chợ hoa quả Long Biên, chợ đêm Văn Quán, chợ cá Yên Sở... có quy mô hoạt động vượt quá khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất, diện tích.

Hệ thống các công trình thương mại dịch vụ trên địa bàn Thành phố phân bố không đều, số lượng chủ yếu tập trung tại khu vực nội đô. Các trung tâm thương mại như chuỗi siêu thị Hapro, Vinmart, Big C, Co.opmart… chủ yếu là trung tâm mua sắm tổng hợp, phục vụ bán lẻ. Một số trung tâm mua sắm hiện đại, mới như Aeon Mall, Royal hay Lotte… tuy có quy mô lớn hơn, song vẫn chưa đạt tiêu chuẩn của thế giới (theo đánh giá của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam), nên chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập và chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô.

Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, trong quá trình triển khai Điều chỉnh tổng thể QHC1259 tới đây sẽ rà soát, xây dựng nội dung quy hoạch hệ thống dịch vụ thương mại tích hợp vào Điều chỉnh tổng thể QHC1259 và Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, sẽ phân kỳ đầu tư, xây dựng cơ chế nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách theo chủ trương xã hội hóa đầu tư để xây dựng hạ tầng hệ thống dịch vụ thương mại hiện đại, đồng bộ với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm giao thương và kinh tế không chỉ của cả nước, mà của khu vực Đông Nam Á.

Nhằm cụ thể hoá những định hướng của QHC1259, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm Logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại Thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Thế nhưng, kết quả sau 10 năm thực hiện QHC1259, toàn TP mới có 29 trung tâm thương mại (đạt 30,2%), 127 siêu thị (đạt 12,7%), 458 chợ (đạt 75,7%).
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần