Hệ thống rãnh lòng mo khoảng 30 - 40cm mặt đường, nên thành thoát nước trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội lâu nay chịu tải của nhiều phương tiện tham gia giao thông. Vì vậy, các nắp rãnh nhanh chóng xuống cấp, vỡ nát, sập xệ, ảnh hưởng việc tiêu thoát nước, gây ô nhiễm môi trường.
Đánh giá về những hạn chế của hệ thống rãnh thoát nước này, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) nhận xét: Hà Nội đang chuyển mình từ đô thị cũ thành đô thị hiện đại nhưng hạ tầng không theo kịp. Hệ thống rãnh thoát nước nằm sát mép đường và vỉa hè trước kia chỉ có nhiệm vụ gom nước mưa là chủ yếu, nay do chưa có hệ thống dẫn nước thải riêng nên loại rãnh này đang có chức năng hỗn hợp cả thu nước mưa, thoát nước thải của nhà dân dẫn đến quá tải, nhanh xuống cấp.
|
Hệ thống rãnh hỗn hợp được lắp đặt tại phố Hai Bà Trưng. |
Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng cho biết, từ năm 2010, công ty đã cải tiến, thiết kế rãnh thu nước hỗn hợp, thực hiện cùng lúc 3 chức năng: Thu nước mưa, thoát nước thải sinh hoạt từ nhà dân, đồng thời là cấu kiện bó vỉa hè. Hệ thống rãnh thoát nước xây dựng theo phương án hỗn hợp này sẽ đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến phần diện tích mặt đường do nằm gọn trên phần vỉa hè. Đồng thời cũng rất thuận tiện cho việc duy tu, duy trì, đảm bảo tiêu thoát nước tốt hơn. “Khi vệ sinh loại rãnh mới này, chúng tôi chỉ cần luồn đầu phun rửa áp lực cao vào trong rãnh và dùng áp lực thổi toàn bộ bùn trong lòng rãnh ra hố ga, sau đó chỉ việc hút bùn từ hố ga là xong ” - ông Hùng chia sẻ thêm.
Loại rãnh hỗn hợp đã được Công ty Thoát nước Hà Nội đưa vào áp dụng trong quá trình cải tạo, chỉnh trang vỉa hè trên một số tuyến phố nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội như: Lý Thường Kiệt, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Hàm Long, Ngô Thì Nhậm, Cửa Bắc… Thực tế qua nhiều năm sử dụng cho thấy hiệu quả đáng kể trong việc thoát nước, cải thiện được tình trạng đọng nước ở lề đường và bảo đảm mỹ quan đô thị.
Vẫn e dè vì sợ khóTheo ông Võ Tiến Hùng, mặc dù Sở Xây dựng đã có quy định về quy chuẩn vỉa hè, trong đó có nêu việc sử dụng loại rãnh hỗn hợp này, UBND TP cũng đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư sử dụng kết cấu rãnh hỗn hợp tại các dự án cải tạo, sửa chữa, chỉnh trang hè đường trên các tuyến phố đảm bảo điều kiện mặt bằng thi công. Nhưng hiện phương án chưa được các quận huyện tích cực áp dụng.
Mặc dù loại rãnh thoát nước hỗn hợp có ưu điểm vượt trội, song, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cũng đưa ra một số hạn chế, như việc lắp đặt rãnh trùng với vị trí viên bó vỉa, nên tại những nơi vướng rễ cây, cột đèn sẽ khó lắp đặt. Khối tích của viên vỉa hỗn hợp khá lớn so với viên vỉa thông thường, nên đối với một số tuyến phố có diện tích hè nhỏ, mật độ công trình ngầm lớn, việc lắp đặt cũng sẽ gặp khó khăn.
Về vấn đề này, đại diện một số quận, huyện cho biết sẽ lưu ý hơn, nhưng khi áp dụng cũng sẽ vấp phải một số khó khăn nhất định. Như Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Ánh chia sẻ, quận đang triển khai thi công hạ ngầm và chỉnh trang lát đá hè trên 6 tuyến phố, thời gian tới sẽ thi công tiếp tại 14 tuyến. Trong các văn bản thỏa thuận về thoát nước và đấu nối của Công ty Thoát nước Hà Nội có kiến nghị đối với các tuyến phố làm mới rãnh thoát nước áp dụng hệ thống rãnh thu nước hỗn hợp theo ý kiến chỉ đạo của TP. Tuy nhiên, qua thực tế khảo sát hiện trạng các tuyến phố, Ban quản lý dự án quận và các đơn vị tư vấn nhận thấy có nhiều đoạn không thể đặt được loại rãnh hỗn hợp. Lý do là trung bình khoảng 5m lại xuất hiện vật cản kiến trúc trên vỉa hè sát vị trí bó vỉa như gốc cây, trạm điện, cột đèn, hệ thống hạ ngầm điện lực, viễn thông...
Hà Nội đã và đang quyết tâm xây dựng TP ngày càng văn minh, hiện đại, “sáng - xanh - sạch - đẹp”, trong đó có phần việc chỉnh trang đô thị. Quả thật, việc áp dụng triển khai hệ thống thu rãnh nước hỗn hợp hay một loại khác tương tự, nhưng đảm bảo yếu tố bền, đẹp, thuận tiện..., các ngành chức năng cũng nên suy tính.