Hết cơ hội ra văn bản “hành” doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 3.000 điều kiện kinh doanh được quy định tại 170 thông tư, quyết định của các bộ, ngành sẽ bị bãi bỏ kể từ ngày 1/7/2016 theo quy định của Luật Đầu tư mới, và tinh thần mà Chính phủ đưa ra là không được “đẻ” thêm thủ tục “hành” DN.

Hết cơ hội ra văn bản “hành” doanh nghiệp - Ảnh 1Tuy nhiên cộng đồng DN vẫn còn không ít nghi ngại liệu các bộ, ngành có nghiêm túc thực hiện chủ trương? Đây cũng là băn khoăn của ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội trong cuộc trao đổi với Kinh tế & Đô thị.

Cộng đồng DN đón nhận thông tin từ 1/7/2016 sẽ bãi bỏ 3.299 điều kiện kinh doanh theo Luật Đầu tư mới như thế nào, thưa ông?

- Hiện tại, cộng đồng DN nhỏ và vừa tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang có phản hồi rất tích cực trước thông tin từ 1/7/2016, Chính phủ sẽ bãi bỏ tất cả 3.299 điều kiện kinh doanh. Việc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh trên đã gỡ bỏ rào cản gia nhập thị trường của các DN nhỏ và vừa, mở rộng quyền tự do kinh doanh của DN. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hoài nghi về tính khả thi của những cải cách trên.

Ông có thể nói rõ hơn, vì sao DN lại có sự hoài nghi?

- Theo quan điểm của Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, việc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh là trọng tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong chiến lược cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2016.

Tuy nhiên, còn một thực trạng vẫn đang tồn tại là tình trạng giấy phép con. Mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo về việc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh nhưng tình trạng giấy phép con, điều kiện kinh doanh trái luật ngày càng có chiều hướng gia tăng dưới nhiều dạng biến tướng khác nhau. Hiện nay, các giấy phép con này vẫn đang được tiếp tục ban hành trái thẩm quyền, gây rất nhiều khó khăn cho DN trong hoạt động kinh doanh. Điều này không có gì là khó hiểu. Bởi các giấy phép, quy định hiện nay đang gắn rất chặt với lợi ích của các bộ, ngành, thậm chí của một số người nên đương nhiên không dễ dàng bị bãi bỏ. Các quy định, điều kiện phần lớn đều được “cài cắm”, đưa quyền lợi của bản thân các bộ, ngành vào đó. Cơ quan ra điều kiện giờ kinh nghiệm đầy mình, họ biết rằng, nếu bị bỏ giấy phép sẽ mất bao nhiêu lợi ích, nên sự chối bỏ, thậm chí đẻ thêm thủ tục mới là điều dễ hiểu.

Các DN Hà Nội đang bức xúc với những thủ tục nào nhất?

- Chúng tôi có 3 vấn đề đang rất bức xúc: Một là, các thủ tục về tài nguyên môi trường: Theo khảo sát của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lĩnh vực tài nguyên môi trường đứng đầu trong các lĩnh vực về sự phiền hà khi DN thực hiện thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục về đất đai (với tỷ lệ DN phản ánh là 27%, trong đó, lĩnh vực đất đai là 21%, bảo vệ môi trường là 6%). Tiếp đến là thủ tục thuế, mặc dù đã có nhiều cải tiến nhưng vẫn còn rất rườm rà. Trong khi việc kê khai thuế qua mạng được Tổng cục Thuế đánh giá là “sự lựa chọn thông minh” nhưng thực tế cũng gián tiếp làm cho DN phát sinh các chi phí do phải mua chữ ký số với chi phí từ 1 - 2 triệu đồng/năm thuê bao từ các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số. Bản thân việc kê khai thuế qua mạng cũng có nhiều vấn đề, trong đó nổi bật là việc Tổng cục Thuế liên tục nâng cấp ứng dụng và phần mềm ứng dụng hỗ trợ kê khai cập nhật các biểu mẫu mới. Khiến cho có tháng/quý DN phải cập nhật phần mềm hỗ trợ này từ 2 - 5 lần. Vì nếu không, khi nộp, hệ thống sẽ không tiếp nhận hồ sơ và phải làm đi làm lại nhiều lần.

Vấn đề thứ ba là tình trạng kiểm tra chồng chéo giữa các cơ quan chức năng: Hàng năm, các chương trình kiểm tra định kỳ của Ban Quản lý khu công nghiệp, Sở TN&MT, UBND các quận, huyện, chi cục thuế không được phối hợp và đồng bộ cùng kiểm tra dẫn tới chồng chéo, tốn rất nhiều thời gian của DN trong việc đón các đoàn kiểm tra, thanh tra...

Có ý kiến cho rằng để chấm dứt tình trạng kể trên thì phải tách bạch người làm quy định pháp luật ra khỏi người thực hiện. Ông có chia sẻ gì về ý kiến này?

- Tôi cho rằng, làm được như thế mới có thể cải thiện điều kiện kinh doanh, tránh việc vừa làm, vừa thực thi chính sách và kiếm lợi từ sự thực thi đó. Các bộ, ngành cũng phải đổi mới tư duy, thay đổi suy nghĩ khi dự thảo ra các văn bản. Để thực sự cải cách được các thủ tục, điều kiện đòi hỏi phải có sự giám sát các bộ, ngành địa phương nhiều hơn nữa.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần