Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiểm họa khôn lường từ ngộ độc ma túy

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, trẻ vị thành niên nhập viện do ngộ độc cần sa có chiều hướng gia tăng. Các chuyên gia y tế cảnh báo, khi ngộ độc nặng có thể gây ra tình trạng khó thở, suy hô hấp, co giật, sốc đe dọa tính mạng.

TS Chu Thanh Sơn - Khoa Điều trị tích cực nội khoa, BV Nhi Trung ương thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC
Thiếu niên 15 tuổi hôn mê do ngộ độc cần sa
Ngày 15/11, Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương cho biết đã tiếp nhận và điều trị cho một thiếu niên 15 tuổi (quê Tuyên Quang), nhập viện trong tình trạng lơ mơ, nói nhảm, nhịp tim nhanh, xuất hiện co giật và hôn mê. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi dương tính với các chất ma túy có trong cần sa.

TS Chu Thanh Sơn - Khoa Hồi sức tích cực Nội khoa, BV Nhi Trung ương cho hay, ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, qua khai thác tiền sử và bệnh sử, kết hợp thăm khám lâm sàng, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân sử dụng chất gây nghiện. Các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết đã được thực hiện để tìm căn nguyên gây bệnh. Trước đó, trẻ được đưa vào BV tỉnh với các dấu hiện loạn thần sau đó co giật, tím tái, các bác sĩ đã đặt ống nội khí quản và chuyển đến BV Nhi Trung ương để theo dõi và tiếp tục điều trị.

Theo TS Chu Thanh Sơn, cần sa là một chất kích thích, chất gây nghiện, thường được sử dụng bằng cách cuốn vào tờ giấy trắng hoặc nhồi trong điếu thuốc lá, điếu thuốc lào để hút. Trong cần sa có chứa một số cannabinoid, với thành phần chính là chất delta-9tetrahydrocannabinol (THC). THC sẽ gắn với thụ thể cannabinoid CB1 và CB2 ở não có thể gây ra các tác dụng kích thích, an thần hoặc ảo giác phụ thuộc vào liều và thời gian sau khi sử dụng. Ngoài ra, THC có thể gây các tác dụng giải phóng catecholamine (gây nhịp tim nhanh) và ức chế phản xạ giao cảm (bệnh nhân tụt huyết áp tư thế). “Hiện nay, ngoài cần sa, "cỏ Mỹ" có chứa XLR-11 là hợp chất tổng hợp, có cơ chế tác dụng tương tự cần sa nhưng mạnh và nguy hiểm hơn cần sa nhiều lần. Các chất kích thích ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của con người, do vậy người dân tuyệt đối không sử dụng” - bác sĩ Sơn khuyến cáo.

Có thể gây tử vong

Trước đó, ngày 25/10, trong buổi lễ chào cờ đầu tuần có 9 học sinh trường THPT Hoành Bồ, TP Hạ Long, Quảng Ninh, có biểu hiện ngộ độc (đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tê bì chân tay). Các em bị ngộ độc do cùng ăn chung một gói kẹo (màu xanh, có in chữ nước ngoài, không rõ xuất xứ) do một học sinh trong lớp mang đến lớp. Thông tin ban đầu cho thấy cả 9 học sinh dương tính ma túy (THC-cần sa). Ban Giám hiệu nhà trường đã cùng tổ y tế sơ cứu ban đầu và đưa số học sinh này đi cấp cứu tại BV Đa khoa Hạ Long. Tại BV, các học sinh có biểu hiện kích thích, buồn nôn. Sau khi test nhanh nước tiểu, cả 9 em đều dương tính với ma túy (THC - cần sa).

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai TS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, hiện nay, tình trạng trà trộn ma túy vào các loại bánh kẹo, đồ ăn uống xảy ra rất nhiều. Trung tâm đã tiếp nhận không ít bệnh nhân nhập viện do ngộ độc ma túy với các tổn thương rất nặng như tổn thương đa tạng, tụt huyết áp, loạn nhịp tim, co giật hôn mê, đông máu, suy thận, thậm chí là tử vong. Theo bác sĩ Nguyên, hầu hết các bệnh nhân bị ngộ độc ma túy đều còn rất trẻ. Ma túy ảnh hưởng rất nhiều đến cơ quan nội tạng của cơ thể người, trong đó có ảnh hưởng mạnh nhất là hệ thần kinh và tâm thần. Các bệnh nhân khi đến BV cấp cứu đều bị hôn mê co giật, xuất huyết não, tổn thương não rất rộng. Những bệnh nhân này rất dễ tử vong, nếu không tử vong thì cũng bị rối loạn tâm thần, ảo giác… Việc cai nghiện cho các bệnh nhân sử dụng các loại ma túy mới xuất hiện là vấn đề rất nan giải. Đối với những bệnh nhân ngộ độc ma túy mới cùng các biểu hiện lâm sàng thay đổi liên tục, các bác sĩ Trung tâm phải vừa chống độc, vừa theo dõi, vừa đưa ra các phác đồ điều trị, nghiên cứu tài liệu để tìm kiếm giải pháp mới nhằm cấp cứu nhanh và kịp thời, giảm tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân.

“Để không sử dụng nhầm các sản phẩm chứa chất gây nghiện THC, giới trẻ nói riêng, cộng đồng nói chung cần phải cảnh giác, tránh xa những sản phẩm giải trí bắt mắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe, hãy tránh xa các chất ma túy, không được lạm dụng hay sử dụng bất kỳ loại ma túy nào. Vì đã dùng một lần thì rất dễ có các lần tiếp theo và dần dần sẽ trở thành nghiện” - bác sĩ Nguyên khuyến cáo.
Một số dấu hiệu gợi ý nguy cơ trẻ có thể đã sử dụng chất ma túy như: Rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, thức suốt đêm hoặc ngủ quá nhiều), xao nhãng các thú vui hoặc sở thích bình thường trẻ vẫn thích, rối loạn hành vi, dễ cáu giận, nhu cầu cần nhiều tiền và kết quả học tập sút kém... Nếu cha mẹ thấy con có các dấu hiệu như trên, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất (hoặc BV Nhi Trung ương) để được thăm khám và điều trị kịp thời.

TS Chu Thanh Sơn - Khoa Hồi sức tích cực Nội khoa, BV Nhi Trung ương