Hiểm họa lây bệnh từ động vật

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày càng có nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây từ động vật sang người, đe dọa sức khỏe của cả cộng đồng. Hiện nay cả thế giới cũng đang phải vật lộn chiến đấu với chủng virus mới Covid-19, trong đó có giả thuyết là virus lây lan từ loài dơi. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chủ quan với những nguy cơ gây đại dịch này.

Hiểm họa lây bệnh từ động vật - Ảnh 1

Cán bộ thú y phun thuốc phòng chống bệnh cúm trên đàn gia cầm tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Phương Nga
Những con số biết nói
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, thời gian qua, đã ghi nhận được hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người, trong đó có tới 75% các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện ở người có nguồn gốc từ động vật, thực sự là mối đe dọa cho sức khỏe của cả cộng đồng. Có thể kể tới các bệnh như cúm A/H5N1, bệnh dại, liên cầu lợn… Năm 1918, cả thế giới kinh hoàng trước sự bùng phát dịch cúm Tây Ban Nha, xuất phát từ loài lợn. Dịch bệnh nhanh chóng lây lan ra toàn thế giới và khiến 20 triệu người chết. Đến tháng 3/2003 lại bùng phát dịch SARS được xác định là từ dơi lây truyền qua vật chủ trung gian là cầy hương, khiến hơn 900 người chết. Cũng trong năm 2003, cả thế giới lại bàng hoàng khi bùng phát dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm khiến trên 600 người mắc bệnh. Và mới đây nhất là sự xuất hiện của chủng virus mới Covid-19 được cho là xuất phát từ loài dơi, đang trở thành nỗi kinh hoàng của cả cộng đồng.
Ngày 20/2, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm A/H5N6 tại huyện Chương Mỹ. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP yêu cầu huyện tiếp tục tập trung làm tốt công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm không để dịch lây lan. Trong đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hiệu quả, bền vững. (Hoàng Anh)
Việt Nam cũng là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các dịch bệnh từ động vật. Từ năm 2004 – 2014, cả nước đã ghi nhận 127 người mắc bệnh, trong đó có 64 người chết vì cúm A/H5N1. Bên cạnh đó, các bệnh như bệnh than, bệnh dại, liên cầu khuẩn cũng là mối đe dọa tới sức khỏe của cả cộng đồng. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, chỉ trong năm 2019, cả nước có 77 trường hợp người tử vong do bệnh dại. Số ca phải điều trị dự phòng sau phơi nhiễm khoảng 400.000 người. Từ tháng 1/2020 đến nay, cả nước đã ghi nhận thêm 4 ca tử vong do bệnh dại trên người. Đáng lo ngại là, tình trạng nhập lậu thịt gia súc, gia cầm, buôn bán chó, mèo không có dấu hiệu kiểm dịch, tiêm phòng vẫn diễn ra, khiến cho nguy cơ bùng phát bệnh dịch ngày càng gia tăng.
Quyền chủ động nằm ở con người
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, có nhiều con đường lây bệnh từ động vật sang người, như lây qua đường hô hấp, ăn uống hoặc tiếp xúc trực tiếp với con vật. Ở Việt Nam phổ biến nhất là các trường hợp tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, bị chó mèo dại cắn và ăn các loại thực phẩm tươi sống có nguồn gốc từ động vật như tiết canh, gỏi…
Điều đáng nói là, mặc dù con người hoàn toàn có thể chủ động ngăn chặn nguy cơ từ những dịch bệnh nguy hiểm này nhưng nhiều người lại khá thờ ơ và chủ quan. Đơn giản nhất là việc tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo nuôi của gia đình nhưng nhiều hộ vẫn không thực hiện. Hay bệnh cúm gà, hiện nay cũng đã có vaccine phòng bệnh song tỷ lệ tiêm phòng ở các địa phương vẫn thấp. Nhiều người vẫn có thói quen ăn tiết canh, ăn gỏi, các loại động vật hoang dã… mặc dù trước đó đã có hàng loạt các ca bệnh ngộ độc và tử vong vì việc này.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện nay trước sự biến đổi khí hậu, nguy cơ phát sinh lây lan dịch bệnh từ động vật sang người rất cao. Trong khi đó, ở nước ta tình trạng chăn nuôi với mật độ lớn, xen lẫn trong khu dân cư, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, trào lưu nuôi thú cưng có nguồn gốc ngoại nhập, hoang dã cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn truyền lây bệnh cho con người. Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, người dân hoàn toàn có thể chủ động được việc này bằng cách tiêm phòng cho vật nuôi, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Bên cạnh đó, cần thực hiện những nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi. Ngăn chặn việc buôn bán động vật hoang dã, vận chuyển động vật trái phép không rõ nguồn gốc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần