Hiểm họa tiềm ẩn từ tiếng ồn đô thị, tổn thất khôn lường

PHƯƠNG DUNG (THEO WHO, INHABITAT)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỷ niệm Ngày Quốc tế phòng chống tiếng ồn 25/4 nhằm nhắc nhở người dân khi tiếng ồn đô thị đang âm thầm gây nguy hại đến đời sống sức khỏe của con người nhưng ít ai nhận ra.

Trong cuộc sống hiện đại, cư dân đô thị đang phải chịu nhiều áp lực từ môi trường sống, đặc biệt tại các khu vực diễn ra quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Một trong những áp lực mà ít người có thể nhận biết được nhưng lại là một mối hiểm họa tiềm ẩn ngày ngày gây nguy hại đến đời sống và sức khỏe con người, đó là tiếng ồn đô thị.
Ngày 25/4 được thế giới chọn là Ngày Quốc tế phòng chống ô nhiễm tiếng ồn nhằm nâng cao nhận thức người dân khắp toàn cầu.
Kỷ niệm Ngày Quốc tế phòng chống tiếng ồn nhằm nhắc nhở người dân khi tiếng ồn đô thị đang âm thầm gây nguy hại đến đời sống sức khỏe của con người nhưng ít ai nhận ra. Trong đó, rất nhiều bệnh lý như: bệnh tâm thần, mất ngủ, rối loạn sinh lý, bệnh tim hay huyết áp cao cũng có tác nhân từ ô nhiễm tiếng ồn.
 Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đang gây tổn thất cho thế giới từ 750 -790 tỷ USD mỗi năm. 
Theo kết quả nghiên cứu của trường Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ), tiếng ồn trong không gian ở nhà hay ở trường học có thể gây khó khăn cho việc học những từ mới ở trẻ.
Trong một ngôi nhà hiện đại ngày nay, tiếng ồn từ âm thanh của vô tuyến, đài, từ hoạt động của người lớn cũng có thể khiến trẻ nhỏ mất tập trung, ảnh hưởng đến hiệu quả học từ ngữ của chúng ngay từ những năm đầu đời.
Ngoài ra, ô nhiễm tiếng ồn tại các đô thị có mối liên hệ chặt chẽ với sự suy giảm thính lực của con người. Kết quả khảo sát tại 50 thành phố lớn trên thế giới cho thấy, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại khu vực đô thị có mối liên hệ chặt chẽ với sự suy giảm thính lực của con người.
Theo kết quả khảo sát này, mức độ suy giảm thính lực nghiêm trọng nhất được ghi nhận ở những đối tượng là cư dân sinh sống tại những thành phố ồn ào nhất thế giới như Quảng Châu (Trung Quốc), New Delhi (Ấn Độ) và Cairo (Ai Cập), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Trong khi đó, cư dân sinh sống tại Zurich (Thụy Sĩ), Vienna (Áo), Oslo (Nauy) và Munich (Đức) - những thành phố ít ô nhiễm tiếng ồn nhất thế giới có sự suy giảm thính lực ở mức thấp nhất.
Kết quả khảo sát đã kết luận tình trạng "lão hóa" thính lực của cư dân ở những thành phố ô nhiễm tiếng ồn nhất thế giới nhanh hơn 10 năm so với những cư dân sống ở những thành phố ít ô nhiễm tiếng ồn nhất.
Không chỉ gây hại đối với sức khỏe con người, ô nhiễm tiếng ồn cũng gây thiệt hại lớn đến kinh tế thế giới. Theo công bố mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đang gây tổn thất cho thế giới từ 750 -790 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, chi phí y tế thăm khám cho người bệnh là gần 100 tỷ USD, khoảng 700 tỷ USD còn lại là tổn thất kinh tế do nguồn lực lao động chịu ảnh hưởng của việc suy giảm thính lực.
Con người thực sự chưa quan tâm đến ô nhiễm tiếng ồn một phần do chưa hiểu hết về tác động của tiếng ồn, lý do khác là do nhịp sống đô thị đang tăng tốc nên người dân cũng thích nghi với môi trường đó, không nhận ra độ chênh lệch của tiếng ồn so với nhiều năm trước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần