Hiểm họa từ “hung thần” đường phố
Lực lượng chức năng đã khẳng định quyết tâm bao lần, đã xử phạt không ít, nhưng thực tế là những “hung thần” này vẫn nhởn nhơ bất chấp pháp luật.
Hình ảnh những thanh sắt thép dài chọc thẳng vào cabin xe buýt số 88 chạy tuyến Mỹ Đình - Xuân Mai đi trên đường Nguyễn Trãi hướng về Hà Đông được lan truyền ít ngày qua trên mạng xã hội khiến người xem phải run sợ. Bó thép đâm qua kính chắn gió, xuyên vào buồng lái đến ghế ngồi của tài xế. Xe tự chế đổ ngang trước đầu xe buýt, một phần bánh trước nằm trong gầm.
Người lái xe buýt may mắn chỉ bị thương nhẹ. Nhưng trước đó, nhiều người đã không được may mắn như vậy. Có em học sinh đã mất mạng thương tâm do bị tấm tôn chở trên xe ba gác cứa phải. Có người tàn tật vĩnh viễn vì va chạm với xe tự chế chở hàng cồng kềnh.
Mỗi ngày, những chiếc xe “hung thần” vẫn nhởn nhơ trên đường phố, từ thành thị tới nông thôn. Xe đã mang hình thù kỳ dị, cách lưu thông lại không kém lạ lùng, hở chỗ nào chui vào chỗ đó, lấn làn, chèn ép những phương tiện xung quanh. Chuyện vượt đèn đỏ, bịt ngõ, lấn hè hay dừng đỗ ngay trên lòng đường hướng ngược chiều đã thành thói quen, nếp xấu. Người dân khi đi bên cạnh những “hung thần” này chỉ biết lắc đầu ngao ngán, tránh xa bởi lo sợ không may trở thành nạn nhân.
Theo Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, xe tự chế bị cấm lưu thông, người điều khiển xe tự chế bị phạt từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng. Trường hợp gây tai nạn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác thì người điều khiển phương tiện còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt từ 3 - 10 năm tù.
Thế nhưng, điều đáng nói là những “hung thần” này dường như có đặc quyền được pháp luật “bỏ quên”. Mỗi ngày có hàng nghìn người điều khiển xe máy, ô tô bị xử phạt vì vi phạm giao thông nhưng chủ xe, lái xe tự chế, xe lôi lại hiếm khi bị phạt. Sự lơi lỏng của lực lượng chức năng chính là một trong những nguyên nhân khiến những “hung thần” đường phố ngày càng xuất hiện nhiều, đe dọa an toàn, tính mạng của người tham gia giao thông, gây ùn tắc trên nhiều tuyến đường.
Liệu có phải vì những chiếc xe tự chế này không biển số, không đăng ký nên không có cơ sở quản lý, xử phạt? Hay việc tịch thu xe tự chế, giữ gìn kỷ cương, pháp luật còn khó khăn với lực lượng chức năng?
Mỗi khi Hà Nội xảy ra một vụ việc gây bức xúc dư luận liên quan đến xe ba gác, xe tự chế, lực lượng chức năng lại ồ ạt ra quân xử phạt, rồi ít lâu sau đâu sẽ hoàn đó. Việc xoa dịu dư luận rồi tiếp tục buông lỏng quản lý, nương tay với xe tự chế đã khiến người dân dần mất niềm tin, còn những “hung thần” ngày càng coi thường pháp luật.
Đã đến lúc lực lượng chức năng cần có biện pháp quyết liệt, xử lý triệt để hiện tượng xe tự chế gây mất trật tự, ATGT. Cần tịch thu và tiêu hủy công khai những chiếc xe này để tạo hiệu ứng răn đe, cảnh tỉnh những người coi thường pháp luật, coi thường an toàn tính mạng của cộng đồng đồng thời góp phần vãn hồi trật tự, ATGT tại Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội: Xử lý nghiêm các trường hợp dùng xe tự chế, chở hàng cồng kềnh
Kinhtedothi – Ngày 9/5, UBND TP Hà Nội ban hành công văn về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý xe thô sơ, xe cơ giới 3 bánh, xe tự chế, các phương tiện giao thông chở hàng hóa cồng kềnh gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Hà Nội: Xử phạt 890 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ
Kinhtedothi - Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội cho biết, ngày 8/5, qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng phát hiện 890 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ 38 phương tiện, 196 bộ giấy tờ, tước 22 giấy phép lái xe.
Luật Giao thông đường bộ: Nhiều bất cập cần sửa đổi
Kinhtedothi - Sau hơn 13 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, cần phải điều chỉnh.