Hạ tầng số phải đi trước một bước
Theo thống kê của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về sự phát triển hạ tầng viễn thông, trong năm 2021, Việt Nam có 70,9 triệu thuê bao băng rộng di động (chiếm 57,23% tổng số thuê bao di động), tăng hơn 4% so với năm 2020; có 18,79 triệu thuê bao Internet băng rộng cố định, tăng 14,59%...
Doanh thu trung bình (ARPU) của thuê bao băng rộng cố định trong 10 tháng năm 2021 chỉ đạt khoảng 137.000 đồng (tương đương 6 USD), giảm 8% so với mức doanh thu 149.000 đồng của năm 2020.
Năm 2022, Cục Viễn thông cũng đặt mục tiêu thực hiện việc phủ sóng mạng băng rộng di động tốc độ trên 1Gb đến các khu công nghiệp, khu công nghệ cao; 100% người trưởng thành có điện thoại thông minh; 75% hộ gia đình có FTTH (Internet cáp quang); 85% thuê bao băng rộng di động/100 dân.
Bộ TT&TT đã báo cáo Chính phủ đưa ra mục tiêu Việt Nam phải lọt vào top 30 nước có hạ tầng số phát triển vào trước năm 2025. Đồng thời, đặt mục tiêu doanh thu của hạ tầng số chiếm 1% GDP vào năm 2025, mỗi người dân có 1 smartphone, hộ gia đình có 1 đường cáp quang và triển khai nhanh 35 nền tảng số quốc gia một cách nhanh chóng, tiết kiệm nguồn lực xã hội, thời gian.
Tuy nhiên, việc hoàn thiện hạ tầng viễn thông băng rộng để phục vụ kết nối người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn còn chịu tác động của dịch Covid-19. Và xa hơn là việc thúc đẩy hệ sinh thái số trên nền tảng viễn thông đó hoạt động được hiệu quả, góp phần giúp nền kinh tế số của Việt Nam phát triển mạnh mẽ là một vấn đề không dễ giải quyết đối với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các đơn vị cung cấp giải pháp viễn thông, công nghệ thông tin.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho rằng, muốn phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số thì chắc chắn phải có hạ tầng số.
Hạ tầng số phải đi trước một bước. Với sự phát triển, hội tụ giữa viễn thông và CNTT, hạ tầng viễn thông đã chuyển mình trở thành hạ tầng số. Đây là sự phát triển mới và Việt Nam đang đồng hành cùng thế giới trong việc xác định nội hàm, xây dựng hạ tầng số.
Bộ TT&TT xác định hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông cùng với hạ tầng dữ liệu. Hiện nay, Việt Nam đã đặt mục tiêu làm chủ hạ tầng băng rộng, trong đó có hạ tầng thiết bị 5G cũng như các công nghệ, nền tảng mang tính chất hạ tầng theo chiều hướng Make in Vietnam.
Khích lệ xây dựng thể chế số
Với định hướng chuyển đổi số (CĐS) quốc gia cũng như hạ tầng viễn thông sẽ được chuyển đổi thành hạ tầng số, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng phụ trách điều hành Cục Viễn thông - Bộ TT&TT cho biết, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số thì hạ tầng viễn thông sẽ chú trọng phát triển hạ tầng băng rộng cố định (BRCĐ), hạ tầng băng rộng di động (BRDĐ) và đặc biệt là hạ tầng của các Trung tâm dữ liệu (TTDL).
Tính đến tháng 2/2022, Việt Nam có 19,6 triệu thuê bao BRCĐ đến tận hộ gia đình (FTTH) và mục tiêu đến năm 2025, 100% hộ gia đình có đường cáp quang với tốc độ 200 Mbit/s. Theo đó, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết đây là thách thức lớn khi tốc độ hiện nay đạt 68 Mbit/s và để đạt mục tiêu vào năm 2025, Việt Nam phải có kế hoạch cụ thể đối với việc phát triển hạ tầng cáp quang tới hộ gia đình.
Phát triển BRDĐ trong năm 2021 đã tạo được ấn tượng khi thực hiện chương trình "Sóng và máy tính cho em", gần 1400 điểm lõm sóng đã được phủ sóng chủ yếu bằng mạng 4G. Với chương trình viễn thông công ích được phê duyệt vào tháng 12/2021, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết năm 2022, BRDĐ sẽ được ưu tiên triển khai đến vùng sâu, vùng xa và các thôn bản hiện chưa được phủ sóng di động.
Trong năm 2022, mạng 5G sẽ được bảo đảm cung cấp tốc độ trên 100Mbit/s và sẽ phủ sóng ở khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, khu nghiên cứu, các tỉnh, thành phố có nhu cầu tốc độ cao và tiến tới năm 2025 cơ bản phủ sóng những địa phương lớn. Đến năm 2030, 100% dân số sẽ được phủ sóng di động với công nghệ 5G và 100% người dùng trưởng thành sẽ sử dụng smartphone.
Để phát triển hạ tầng số hiện đại, ông Trần Thành Kiên, Giám đốc sản phẩm dịch vụ hạ tầng số, Tổng công ty VNPT-Vinaphone cho biết, hạ tầng viễn thông hiện nay về mức cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của một hạ tầng kết nối, trong đó có những định hướng phát triển nền tảng 5G, tiến tới 6G.
Để đạt được kỳ vọng cao của cơ quan Nhà nước, cần phải hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp về cơ chế để phát triển băng thông tốt hơn, nhất là cho các nhà mạng và cho doanh nghiệp triển khai ứng dụng trên nhà mạng để phát triển.
Ông Nguyễn Phú An (Công ty FPT Telecom) cho biết, phát triển hạ tầng số không có cách nào khác là phải đầu tư công nghệ mới, nâng cấp hạ tầng viễn thông hiện tại. FPT Telecom đang triển khai công nghệ thông minh mới, ảo hóa cho hạ tầng cáp quang. Các nhà mạng khác cũng đang thực hiện việc này.
FPT Telecom cũng triển khai công nghệ WiFi 6, thậm chí tiến tới WiFi 7, công nghệ kết nối cáp quang như GPON… để đáp ứng băng thông cho phát triển kinh tế số, xã hội số, trong đó có giảm độ trễ (latency) để đảm bảo dịch vụ kết nối và cấp phát cho mạng 5G.
Về mối liên hệ giữa hạ tầng số và phát triển kinh tế số, bà Trần Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc, Deloitte Việt Nam, cho rằng, tập trung vào băng thông rộng di động sẽ giúp hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế -xã hội.
Các Chính phủ trên toàn cầu tin rằng sự tăng trưởng của việc sử dụng băng thông rộng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, tác động được đo lường bằng % tăng trưởng GDP từ 1% tăng trưởng trong thâm nhập băng thông rộng. Ví dụ, ở một số nước 1% thâm nhập băng thông rộng có thể dẫn đến 0,023% tăng trưởng GDP.
Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị, khi nói về chuyển đổi số, về phát triển hạ tầng số, xây dựng các nền tảng số thì việc cần làm là phải có thể chế số. Nói về dữ liệu số, về hạ tầng dữ liệu nhưng phải thể chế hóa để vừa quản lý lại vừa thúc đẩy sự phát triển.
Bộ TT&TT mong muốn qua thực tế phát triển cũng như kinh nghiệm của quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức cần nêu lên kiến nghị, đề xuất đối với cơ quan quản lý nhà nước để Việt Nam có thể hoàn thiện thể chế và cách làm.
Để thực hiện mục tiêu Việt Nam lọt top 30 nước có hạ tầng số phát triển năm 2025, Bộ TT&TT đã xây dựng trình Chính phủ chiến lược phát triển hạ tầng số giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có những mục tiêu thách thức để xây dựng hạ tầng số hiện đại, đáp ứng nhu cầu CĐS và theo mục tiêu của Chính phủ là không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình CĐS.