Hiến kế giải pháp giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội
Bỏ tàu điện là không hợp lý
Trong quá trình phát triển, Hà Nội đã bỏ tàu điện bánh sắt, chuyển sang phát triển xe buýt, nhưng không đáp ứng được nhu cầu đi lại khiến người dân chuyển sang chọn xe đạp rồi đến xe máy để đi lại. Việc này kéo dài nhiều năm nên người dân đã quen với phương tiện cá nhân là xe máy. Vì xe máy cơ động, thuận tiện, dù đầu tư ban đầu tốn kém cũng như chi phí xăng dầu, chi phí gửi xe và tu sửa xe. Hầu như nhà nào cũng có xe máy, thậm chí 2 - 3 xe máy. Những năm gần đây lại tăng nhanh xe ô tô cá nhân, đã có gia đình có 2 xe ô tô, dự báo tiếp tục gia tăng mạnh và kéo theo là gia tăng UTGT. Kiềm chế UTGT bằng giải pháp nào?
Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân
Vận động rồi bắt buộc công nhân viên chức không đi xe máy đến cơ quan và chủ yếu đi bằng xe buýt, xe chuyên đưa đón cán bộ hàng ngày miễn phí. Tại các cơ quan bỏ việc trông giữ xe máy. Nếu triển khai được việc này sẽ có đa số công nhân viên chức đi bằng phương tiện công cộng, mật độ tham gia giao thông cá nhân sẽ giảm nhanh. Từng đơn vị cơ quan phải nghiên cứu để định hướng chuyển sang đi xe buýt, không đi xe máy đến cơ quan như thế nào? kết hợp đi xe buýt theo tuyến gần nhà đến nơi tập trung nào có xe chuyên đưa đón cán bộ công chức đến cơ quan và ngược lại; trong giai đoạn đầu khoảng 2 - 3 năm có thể cấp vé xe buýt liên tuyến miễn phí cho thành thói quen đi xe buýt. Nên miễn phí cho người cao tuổi đi xe buýt như có nước đã áp dụng, tạo ra nhiều người đi xe buýt để gia đình cùng đi.
Nghiên cứu, xác định các khu phố không đi xe máy, chỉ đi bộ, đi xe ô tô điện và định hướng mở rộng dần. Khi đi xe máy đến khu vực cấm phải gửi xe máy và chuyển sang đi bộ hoặc ô tô điện. Nơi gửi xe máy phải trông giữ đúng giá. Ngoài ra, có thể gửi xe máy và thuê xe đạp công cộng để đi tiếp trong khu vực cấm xe máy. Trong các khu vực sẽ cấm xe máy phải có xe ô tô điện hay loại xe buýt nhỏ, xe đạp cho mượn sao cho động bộ rồi từng bước mở rộng với tốc độ nhanh các khu vực cấm xe máy.
Phát triển mạnh giao thông công cộng
Phát triển giao thông công cộng đi trước một bước, trong khi chờ các dự án tàu điện ngầm, nổi đi vào hoạt động phải tiếp tục không ngừng hoàn thiện dịch vụ tốt nhất cho xe buýt. Từ đó, đáp ứng nhu cầu của dân để khuyến khích người dân bỏ xe máy chuyển sang đi xe buýt và các phương tiện giao thông công cộng khác. Kéo dài các tuyến xe buýt ra cả các khu vực Hà Nội mở rộng. Để tạo thuận tiện cho người dân nên nghiên cứu có loại xe tạm gọi là "xe buýt chậm" dừng ở mọi điểm đỗ, dừng thuận tiện cho mọi người cần đi xe buýt; bên cạnh đó lại phát triển thêm "xe buýt nhanh" chỉ dừng ở một số bến chính cần thiết theo nhu cầu nhiều người dân để giảm mật độ xe buýt dừng lại đón trả khách. Đồng thời cho người dân chọn lựa có thể đi thẳng đến nơi cần đến tránh mất thời gian đi lại trên đường.
Các khu đô thị mới đưa vào sử dụng phải phát triển ngay xe buýt để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần kiềm chế gia tăng xe máy ngay từ những ngày đầu. Các xe ô tô con, chỉ được tạm dừng trong các khu vực cần đến rồi phải đi ngay ra điểm đỗ xe cho phép chờ hẹn giờ quay lại đón khách, góp phần khuyến khích đi xe buýt thuận tiện hơn, nhanh hơn, kinh tế hơn.
Tiếp tục từng bước nâng cấp hạ tầng, tăng cường quản lý giao thông. Nghiên cứu cách nâng cấp hạ tầng chỉ làm gọn từng đoạn vào ban đêm như nhiều nước đã thực hiện, để hạn chế tới mức tối đa cản trở giao thông vào giờ cần phục vụ giao thông không ùn tắc.
Nếu nhận định bài toán này khó giải quyết là đúng, nhưng trước sau vẫn buộc phải giải quyết nên cần tìm mọi cách giải quyết đồng bộ, có lộ trình tích cực phù hợp. Vỉa hè không để tình trạng tuỳ tiện lấn chiếm bán hàng, không cho phép để xe máy như hiện nay, bởi còn tồn tại tình trạng này vô hình chung vẫn khuyến khích đi xe máy./.