Đó là những giải pháp tạo đột phá trong việc thu hút khách quốc tế mà các chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra tại buổi tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 22/3.
Visa- điểm nghẽn lớn trong dòng chảy khách quốc tế đến Việt Nam
Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế, trong 2 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 1,8 triệu lượt khách. Mổ xẻ nguyên nhân khách quốc tế đến Việt Nam chưa như kỳ vọng, Trưởng khoa Du lịch, Trường đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) TS. Phạm Hồng Long cho rằng, một điểm nghẽn lớn khiến “dòng chảy” khách quốc tế đến Việt Nam nhỏ giọt là việc cấp visa cho khách du lịch còn nhiều hạn chế.
"Hiện, Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Thực hiện cấp thị thực điện tử cho 80 quốc gia, nhưng chỉ có 34 cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử. Thời gian lưu trú thông thường khoảng 15 ngày và nhập cảnh 1 lần. “Đây là “rào cản” đối với ngành kinh tế xanh”- ông Long nêu rõ.
Để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, TS Nuno F. Ribeiro đề xuất, thời gian tới Chính phủ cần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, mở rộng thị thực điện tử cho tất cả các nước. Đồng thời, nên xem xét tăng số nước được miễn thị thực, tăng thời hạn lưu trú cho các thị trường trọng điểm. “Du khách sẽ không lựa chọn những điểm đến khiến họ mất nhiều thời gian, công sức để được nhập cảnh. Chính sách visa thân thiện đồng nghĩa du khách cảm thấy được chào đón và muốn đến quốc gia đó”- ông Nuno F. Ribeiro phân tích.
Đồng tình với kiến nghị này, Trưởng ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính cho rằng, Việt Nam cần mở rộng danh sách quốc gia được miễn visa, kéo dài thời hạn visa lên 30 - 45 ngày và cho phép khách được phép nhập cảnh nhiều lần. Với các thị trường có mức chi tiêu cao như Đức, Italia, Thụy Sỹ, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển… có thể tăng số ngày lưu trú lên 3 tháng, vì khách càng ở lâu càng chi nhiều tiền. Việc cấp visa điện tử cũng cần được mở rộng cho tất cả các quốc gia với một hệ thống đơn giản, nhanh chóng, thân thiện với người dùng. “Khơi thông điểm nghẽn visa sẽ giúp chúng ta thực hiện được mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023” - ông Chính nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, Singapore miễn visa cho công dân 162 nước, công dân của những nước còn lại có thể xin e-visa nhanh chóng với thời gian lưu trú lên đến 90 ngày. Chính sách thị thực thông thoáng giúp tỷ lệ phục hồi du lịch năm 2022 của Singapore xấp xỉ 30%. Tương tự, Thái Lan đã nới rộng thời gian lưu trú đến 45 ngày cho công dân 65 quốc gia; Philippines miễn thị thực cho 157 quốc gia.. Đây là những nỗ lực để các quốc gia này nhanh chóng hồi sinh ngành du lịch hậu Covid-19.
Đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch
Theo các chuyên gia, để ngành du lịch Việt Nam phục hồi cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh Việt Nam điểm đến thân thiện, an toàn.
Thời gian qua mặc dù ngành du lịch đã triển khai hoạt động xúc tiến du lịch nhưng hiệu quả hoạt động này chưa cao, thị trường khách du lịch quốc tế còn thiếu thông tin về du lịch Việt Nam, thương hiệu du lịch Việt Nam chưa có sức cạnh tranh đối với khách du lịch quốc tế.
Thông tin của Tổng cục Du lịch, hiện Việt Nam chi khoảng 2 triệu USD cho công tác xúc tiến du lịch, chỉ bằng 2,9% ngân sách chi cho quảng bá du lịch của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% chi phí mà Malaysia đã bỏ ra trong việc tiếp thị du lịch quốc gia.
Việc thiếu kinh phí nên cả năm 2022, Việt Nam chỉ có 1 đợt xúc tiến quảng bá tại nước Anh. Đồng thời chưa có một văn phòng đại diện du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Trong khi đó, Thái Lan có tới 29 văn phòng đại diện du lịch ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Tương tự hiện Malaysia có 35 văn phòng, Singapore có 23 văn phòng và Hàn Quốc có 31 văn phòng du lịch tại nước ngoài.
Để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch, Chủ tịch Lux Group Phạm Hà kiến nghị, thời gian tới ngành du lịch cần sớm triển khai kế hoạch quảng bá quốc tế quy mô lớn mang tính chuyên nghiệp với ngân sách tương ứng. Liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp lữ hành, hàng không, khách sạn quảng bá, kích cầu dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường vai trò các cơ quan đối ngoại đại diện của Việt Nam tại nước ngoài, vì đây là kênh xúc tiến du lịch, thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam tại nước ngoài.
Tương tự, Phó Giám đốc kinh doanh tiếp thị Saigontourist Dương Minh Đức cho rằng ngành du lịch cần xây dựng chiến lược quảng bá xúc tiến dài hạn có sự phân công cụ thể các bên liên quan. Đồng thời xây dựng cơ chế liên kết phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp du lịch để chia sẻ thông tin công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Thu hút các hãng lữ hành lớn, đoàn báo chí, phóng viên quốc tế đến khảo sát, viết bài, tuyên truyền quảng bá về du lịch Việt Nam.
Chia sẻ kinh nghiệm quảng bá hình ảnh du lịch Thái Lan tới khách quốc tế, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Thái Lan Nareekarn Srichainak thông tin, sau khi Thái Lan bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế, cơ quan quản lý du lịch Thái Lan phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Phuket tổ chức giới thiệu điểm đến thông qua các video clip trên mạng xã hội, chuyến bay quốc tế. “Thời gian tới du lịch Việt Nam phối hợp với ngành hàng không xây dựng các video clip giới thiệu con người, cảnh đẹp Việt Nam, trình chiếu trên các chuyên bay, sân bay đón khách quốc tế. Đấy là mô hình mà ngành du lịch Thái Lan đã thu được kết quả đáng khích lệ mà Việt Nam nên học tập ”-bà Nareekarn Srichainak hiến kế.