Sau hơn 12 năm nỗ lực, giấc mơ đó đang dần trở thành hiện thực.
Vạn sự khởi đầu nan
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành nấm ăn, nấm dược liệu thuộc Khoa Vi sinh (trường ĐH Konkuk, Hàn Quốc) năm 1998, anh Trung được nhận vào làm tại Trung tâm nghiên cứu nấm tỉnh Kyungito. Mức lương khá, điều kiện làm việc tốt. Tuy nhiên, anh Trung nghĩ, đi học để có kiến thức trở về phục vụ đất nước mà nếu cứ làm công mãi nơi đất khách quê người thì những điều học được không phát huy hiệu quả tốt nhất! Sau nhiều đêm trăn trở, cuối năm 2004, anh Trung quyết định xin nghỉ việc về nước.
Vừa tích lũy kinh nghiệm thương trường khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu nấm ăn, anh Trung vừa thường xuyên đi thăm các trang trại trồng nấm để học hỏi thêm kỹ thuật sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết trong nước. Năm 2013, anh quyết định mở xưởng sản xuất nấm quy mô công nghiệp. “Rất nhiều người khi biết ý định đã khuyên ngăn tôi. Bởi, tại Việt Nam khi đó chưa có bất cứ mô hình trồng nấm theo phương thức công nghiệp nào. Thêm nữa, vốn đầu tư ban đầu cũng rất lớn…”. Tổng mức đầu tư cho dây chuyền sản xuất nấm công nghiệp đến nay lên tới… gần 26 tỷ đồng. Để có thể triển khai được mô hình, anh Trung đã đánh cược bằng tất cả nguồn vốn tích lũy được trong hơn 15 năm lao động cật lực và khoản tiền vay mượn từ bạn bè, người thân. Ý nghĩ “với số vốn đầu tư khổng lồ, nếu thất bại sẽ là điều rất khủng khiếp” bủa vây, đeo đẳng suốt nhiều đêm, nhưng anh Trung quyết không bỏ cuộc.
Sản xuất sạch, không lo đầu ra
Có vốn, cộng với quyết tâm, anh Trung đã tìm về xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn), thuê khu xưởng rộng gần 5.000m2 và bắt tay vào sản xuất nấm ăn công nghệ cao theo phương thức công nghiệp. So với những mô hình sản xuất nấm truyền thống, nấm sản xuất theo phương thức công nghiệp cho sản lượng và chất lượng đồng đều hơn. Đó là bởi quy trình sản xuất được xây dựng hoàn toàn khép kín, từ công đoạn trộn, ủ nguyên liệu, cấy giống, ươm sợi tới nuôi trồng và thu hoạch. Toàn bộ quy trình được thực hiện trong phòng kín. Nấm được chăm sóc, bảo quản ở nhiệt độ phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Nói cách khác, quy trình sản xuất nấm theo phương thức công nghiệp hoàn toàn không bị chi phối bởi yếu tố nhiệt độ, thời tiết.
Thời gian đầu, sản phẩm nấm ăn của xưởng anh Trung phải cạnh tranh rất vất vả với mặt hàng nấm nhập khẩu từ Trung Quốc. Không chỉ đa dạng về chủng loại, giá thành nấm ăn từ Trung Quốc cũng “mềm” hơn khá nhiều. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất nấm ăn công nghệ cao theo phương thức công nghiệp cũng là bài toán khiến anh đau đầu. Từ mùn cưa, cám gạo, lõi ngô, hạt bông…, tất cả đều không sẵn có. Anh Trung phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi từ Hòa Bình, Thái Nguyên lên Sơn La, Lào Cai tới Thái Bình, Hải Dương để có thể mua được nguyên liệu đạt yêu cầu.
Hiện, xưởng sản xuất của anh Trung nuôi trồng chủ yếu 4 loại nấm gồm: Sò yến, đùi gà, ngọc châm và linh chi, với sản lượng khoảng 1.200kg/ngày. Khu xưởng giúp tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 nhân công, cùng khoảng 15 lao động thời vụ. Nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, năm 2014, với sự giúp đỡ của UBND huyện Sóc Sơn, Sở NN&PTNT Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ, thương hiệu “Nấm Việt KMS” đã được xây dựng thành công. Đến nay, sau nhiều nỗ lực, “Nấm Việt KMS” đã từng bước khẳng định được thương hiệu, nhận được sự tin tưởng của đông đảo người tiêu dùng, và đặc biệt là không còn lo đầu ra!
Theo anh Trung, trong bối cảnh sự cạnh tranh các mặt hàng nông sản nói chung, nấm ăn nói riêng ngày một lớn, nhất là từ sản phẩm Trung Quốc, việc bảo đảm ATVSTP chính là yếu tố quyết định thành công về lâu dài. “Người tiêu dùng đang ngày càng trở nên thông thái hơn trong việc lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày. Chính vì vậy, chúng tôi luôn chú trọng và tin tưởng rằng: Bảo đảm tốt tiêu chí ATVSTP sẽ mang tới cơ hội rất lớn để từng bước chiếm lĩnh thị trường ngày càng khó tính” - anh Trung khẳng định.