70 năm giải phóng Thủ đô

Hiện thực hóa khát vọng sáng tạo

Nhật Minh
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi - Bao nhiêu sự kiện, bấy nhiêu đổi thay kể từ độ Thủ đô ngàn năm văn hiến chính thức ghi danh trong Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO (ngày 30/10/2019).

Trên hành trình 5 năm suy ngẫm và “hóa thân” trong các thiết kế sáng tạo, người Hà Nội đã chứng tỏ nỗ lực hiện thực hóa khát vọng sáng tạo mà TP đã khẳng định trong đơn đệ trình UNESCO độ đó.

Hành trình đến “Giao lộ ánh sáng”

Sau 5 năm được UNESCO công nhận là thành viên Mạng lưới các TP sáng tạo trên thế giới, người Hà Nội nỗ lực từng ngày phát triển thương hiệu “TP sáng tạo” bằng nhiều hoạt động liên quan đến thiết kế sáng tạo. Khát vọng vị thế TP sáng tạo về thiết kế thể hiện trong đơn đệ trình UNESCO 5 năm trước luôn như một lời nhắc nhớ thôi thúc trong trái tim.

Song hành với khát vọng cháy bỏng ấy là lời khẳng định mang chiều sâu văn hóa Hà thành: di sản văn hóa trù phú của Hà Nội là sự kế thừa của gia tài sáng tạo và đổi mới, là mảnh đất màu mỡ để phục hưng văn hóa trong thời đại mới với sự dẫn dắt của thanh niên - những công dân tài năng và năng động của Hà Nội.

Phải nói rằng, hoạt động thiết kế sáng tạo đã hiện diện rõ nét trong cuộc sống hằng ngày của người Hà Nội dọc theo chiều dài lịch sử, có mặt ở hạ tầng đô thị với kiến trúc nhiều lớp lịch sử, ở hạ tầng văn hóa đa dạng, phong phú, góp phần tạo nên sự gắn kết hài hòa giữa đời sống tự nhiên và con người. Những kiến trúc để đời như Hoàng thành Thăng Long, Nhà hát Lớn, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cầu Long Biên, sau này là cầu Nhật Tân, con đường gốm sứ ven sông Hồng… chính là dấu ấn tài hoa, chất chứa sức sáng tạo của bao thế hệ.

Khách tham quan Lễ hội thiết kế sáng tạo được khôi phục từ tháp nước Hàng Đậu. Ảnh: Công Hùng
Khách tham quan Lễ hội thiết kế sáng tạo được khôi phục từ tháp nước Hàng Đậu. Ảnh: Công Hùng

Hệ thống hàng nghìn di sản văn hóa, làng nghề thủ công nằm đan trong các phố phường, làng quê cùng cộng đồng sáng tạo tâm huyết đã chắp cánh cho Hà Nội trở thành trung tâm của sự sáng tạo.

Người đương thời có thể thấy những ý tưởng sáng tạo hiện diện trên những áp phích tuyên truyền và biển quảng cáo, trên những thiết kế độc đáo khoe sắc ở các tuyến phố nội thành, trên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề truyền thống như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc… Đó đích xác là sự sáng tạo của Hà Nội trong bảo tồn và phát triển. Đúng như Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng từng chia sẻ, gia nhập Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO, mục tiêu của Hà Nội là lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.

Nỗ lực hiện thực hóa khát vọng sáng tạo của Hà Nội còn đậm đà trong việc tạo dựng các không gian sáng tạo. Rõ ràng, hoạt động sáng tạo ngày càng được khơi nguồn trên các tuyến phố đi bộ; các không gian sáng tạo như Nhà hát Hồ Gươm, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom, Toong Co-working Space, Hanoi Creative City... ngày càng khơi nguồn cảm hứng cho giới trẻ thể nghiệm; các lễ hội văn hóa, sự kiện mang hơi thở sáng tạo ngày càng thu hút cảm xúc của công chúng…

Chẳng nói đâu xa, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội là một bản giao hưởng đầy hương sắc được khai sinh thành công trên hành trình này khi quy tụ nhiều đơn vị, tổ chức, giới sáng tạo và cộng đồng, đồng thời khơi dậy các nguồn lực văn hóa Hà Nội cho hoạt động sáng tạo. Sau 3 mùa tổ chức, năm ngoái “Dòng chảy” đã âm vang trong lòng người Hà thành bằng chuỗi sự kiện nhắc nhớ một thời Hà Nội. Năm nay “Giao lộ ánh sáng” lại đang hẹn đón người Hà thành vào những cung bậc cảm xúc mới từ 9 - 17/11/2024.

Tiếp nối sáng tạo

UBND TP mới đây đã ban hành một kế hoạch khá chi tiết về việc tổ chức các hoạt động Hà Nội tham gia Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO năm 2024 - 2025 (Kế hoạch số 266/KH-UBND ngày 12/9/2024). Các hoạt động tiếp nối chặng đường nửa thập kỷ đã qua được “lên khuôn” trong một tâm huyết chung: Phát huy tiềm năng thế mạnh của Thủ đô trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo; Nâng cao nhận thức của các DN, cộng đồng xã hội về ngành thiết kế và công nghiệp sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP; Kết nối, mở rộng hợp tác kinh doanh giữa các tổ chức, các chuyên gia, các DN trong nước và quốc tế trong lĩnh vực thiết kế và công nghiệp sáng tạo.

Hà Nội cũng xác định rất rõ nét các nhiệm vụ triển khai trong 2 năm 2024 - 2025 để thực hiện các sáng kiến và cam kết của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO. Không phải ngẫu nhiên, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội được xây dựng trong quyết tâm trở thành sự kiện thường niên mang tầm quốc tế và khu vực, thu hút đông đảo các nhà sáng tạo, Nhân dân Thủ đô, du khách trong nước và quốc tế đến tham gia. Là bởi, đó là hoạt động trọng yếu và hiệu quả góp phần kết nối, phát huy giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc, trên địa bàn các quận, huyện, thị xã trong quá trình tái thiết đô thị gắn với phát triển không gian sáng tạo, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Tiếp tục hành trình hiện thực hóa khát vọng sáng tạo, TP sẽ đẩy mạnh truyền thông và nâng cao nhận thức, thúc đẩy hoạt động sáng tạo trên địa bàn. Các hoạt động Hà Nội tham gia Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO sẽ được giới thiệu bằng nhiều hình thức.

Song hành là việc kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo tham gia, đồng hành, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo; Kết nối cơ hội hợp tác giữa các TP cùng Mạng lưới; Duy trì, nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử Hanoicreativecity.com và các kênh truyền thông trên mạng xã hội; Xây dựng chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền Hà Nội - TP sáng tạo, nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Với vai trò thành viên Mạng lưới, Hà Nội sẽ thành lập Hội đồng chuyên gia tư vấn triển khai thực hiện các hoạt động xây dựng Hà Nội - TP sáng tạo; thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa Hà Nội và các TP thành viên trong Mạng lưới; khuyến khích, hỗ trợ các TP khác của Việt Nam tham gia vào Mạng lưới; tham dự các hội nghị, diễn đàn Mạng lưới toàn cầu, trong khu vực châu Á và Đông Nam Á theo các chương trình của UNESCO.

Và để thực hiện cam kết với UNESCO, Hà Nội sẽ cho ra đời Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội, Mạng lưới các không gian sáng tạo Hà Nội; đồng thời, triển khai các hoạt động mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ, Hội nghị tổng kết hoạt động sáng tạo, kết nối, cộng đồng, đơn vị tổ chức tham gia, hưởng ứng các hoạt động sáng tạo Hà Nội và Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội thường niên.

Vậy là, kể từ độ Hà Nội “đặt chân” vào Mạng lưới các TP sáng tạo đến “Giao lộ ánh sáng” sắp diễn ra vừa tròn 5 năm. Nửa thập kỷ đó luôn ghi nhận những sáng tạo tiếp nối sáng tạo của người Hà thành trong hành trình hiện thực hóa khát vọng khởi nguồn từ trái tim và tâm huyết với mảnh đất ngàn năm văn hiến. Cam kết trong đơn đệ trình UNESCO luôn là lời nhắc nhớ để Hà Nội đi về phía tương lai, biến khát vọng thành hiện thực sáng tạo góp phần phát triển bền vững Thủ đô.