5 năm thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội
Hiện thực sinh động nhìn từ Hà Nội - Bài 2: Dấu ấn quyết sách đầu tư
Kinhtedothi - Kể từ sau khi Nghị quyết số 88/2019/QH14 được Quốc hội ban hành, thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù, Hà Nội đã huy động hơn 5.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô. Nhờ đó đến nay, TP đã cơ bản hoàn thành 100% các chỉ tiêu của Nghị quyết, về đích sớm trước 5 năm kế hoạch của giai đoạn 2021 - 2030.
Đưa nghị quyết đi vào cuộc sống
Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, đặc biệt là Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm và luôn xác định việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị.
Căn cứ các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 88 của Quốc hội phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, Thành uỷ Hà Nội đã sớm ban hành Kế hoạch số 201-KH/TU ngày 11/8/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác dân tộc.

Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô được đầu tư ngày một đồng bộ. Ảnh: Trọng Tùng
Thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) cũng đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về công tác dân tộc, cụ thể hoá trong Chương trình công tác số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội.
Trên cơ sở Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã ban hành các chương trình, kế hoạch, trọng tâm là Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 11/11/2021 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi củaThủ đô giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 30/6/2022 về thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để chỉ đạo, triển khai thực hiện linh hoạt phù hợp.
UBND TP Hà Nội cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo lĩnh vực ngành, địa phương quản lý, nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phấn đấu đến năm 2030, không còn khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với khu vực nông thôn của TP Hà Nội.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư
Trên cơ sở định hướng chủ trương của Thành uỷ, tờ trình đề xuất của UBND TP Hà Nội, HĐND TP Hà Nội đã ban hành các Nghị quyết phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong các nghị quyết phê duyệt kế hoạch đầu tư công hàng năm, TP Hà Nội đều dành nguồn lực không nhỏ cho đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô.
Đặc biệt, trong giai đoạn mới, sau khi Nghị quyết số 88 của Quốc hội được ban hành hồi năm 2019,UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn Thủ đô.
Theo thống kê của Sở Dân tộc và Tôn giáo Hà Nội, trong giai đoạn 2019 - 2024, kể từ sau khi Nghị quyết số 88 được Quốc hội ban hành, TP đã tập trung huy động nguồn lực, ưu tiên bố trí trên 5.000 tỷ đồng để triển khai các dự án thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô.
Cùng với Kế hoạch số 253/KH-UBND, HĐND - UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác dân tộc. Điển hình như Nghị quyết số 16 về thực hiện chính sách hỗ trợ hàng tháng cho người có uy tín; Kế hoạch số 182 triển khai Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030...
Bên cạnh đó, thực hiện các Quyết định số 1592 và 775/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, TP đã thực hiện hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho 1.286 hộ đồng bào vùng dân tộc miền núi; hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hơn 20 tỷ đồng cũng đã được bố trí để thực hiện chuyển đổi nghề cho gần 1.000 hộ dân vùng đồng bào thiếu đất sản xuất.
Cũng trong giai đoạn 2019 - 2024, TP đã bố trí hơn 303 tỷ đồng ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Hà Nội để cho vay các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ước tính đã có hơn 6.700 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững...
Về đích sớm trước 5 năm
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Dân tộc và Tôn giáo Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân, trong quá trình triển khai công tác dân tộc, các địa phương đã chủ động lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, kế hoạch khác, đặc biệt là từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Những nguồn lực đầu tư to lớn, được huy động từ nhiều thành phần kinh tế, đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội, sự đoàn kết chung sức, cộng đồng tương trợ đối với mục tiêu phát triển tiến bộ của vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô.
Với sự quan tâm đầu tư lớn của TP, cho đến nay, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành 100% các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội, về đích sớm trước 5 năm so với kế hoạch giai đoạn 2021 - 2030, được lãnh đạo Bộ Dân tộc và Tôn giáo ghi nhận, đánh giá là một trong những “điểm sáng” của cả nước.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: Hà Nội luôn xác định công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị. Chính vì vậy, trong những năm qua, đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương tập trung triển khai bài bản, có hiệu quả các chính sách dân tộc.
Bằng việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, Hà Nội phấn đấu sớm rút ngắn, tiến tới không còn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng dân tộc thiểu số so với vùng nông thôn ngoại thành; tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn Thủ đô.
Trích dẫn
Quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Hà Nội là tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển toàn diện, nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối vùng đồng bào dân tộc thiểu số với khu vực đồng bằng và đô thị. Khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế của vùng, tinh thần tự lực của đồng bào; bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số…