Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiện trạng và giải pháp cho việc sử dụng vật liệu xây không nung

Thành Luân - Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 20/7, Tạp chí Xây dựng phối hợp cùng Hội Bê tông Việt Nam (VCA), Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VABM) và các thành viên trong Hội VCA, VABM tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề: “Hiện trạng và giải pháp cho việc sử dụng vật liệu xây không nung”.

Các chuyên gia tại hội thảo trực tuyến.
Các chuyên gia tại hội thảo trực tuyến.

Phát biểu tại hội thảo, TS Phan Hữu Duy Quốc - Phó Tổng thư ký Hội Bê tông Việt Nam (VCA) cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, hành lang pháp lý cũng như cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với vật liệu xây không nung (VLXKN) đã cơ bản đầy đủ. Tuy nhiên, việc khắc phục hiện tượng nứt trên khối xây sử dụng VLXKN luôn là vấn đề trăn trở đối với chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công.

Việc triển khai thực hiện các quy định của Chính phủ, Bộ Xây dựng về VLXKN cũng gặp một số khó khăn lớn: Thói quen sử dụng gạch nung truyền thống trong nhân dân, giá thành một số loại VLXKN còn cao, quy trình kỹ thuật thi công VLXKN đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật; các nhược điểm của VLXKN như độ hút nước, trọng lượng lớn cần được khắc phục để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm... đòi hỏi các doanh nghiệp phải đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng cơ quan quản lý Nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho VLXKN phát triển trên địa bàn Thủ đô trong thời gian tới...

Thực tế cho thấy, đối với công trình sử dụng vốn ngân sách, bắt buộc phải sử dụng VLXKN, thì chủ đầu tư mới sử dụng. Còn đối với các công trình không bắt buộc phải sử dụng VLXKN, chủ đầu tư vẫn né sử dụng, thậm chí sẵn sàng chịu phạt để không phải sử dụng VLXKN.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội chia sẻ, ở nước ta, đặc biệt vùng nông thôn việc ngừng sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung chuyển đổi sang sản xuất và sử dụng gạch không nung gặp rất nhiều khó khăn, cần xây dựng lộ trình và các bước chuẩn bị 1 cách khoa học, hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và điều kiện thực tế của Việt Nam.

Hiện nay, hầu hết nhà máy gạch tuynel trên địa bàn Hà Nội không sử dụng mỏ đất nguyên liệu tại chỗ, việc sản xuất gạch nung chủ yếu sử dụng đất bồi, bãi ven sông, đồi gò, canh tác kém hiệu quả, tận dụng đất từ việc đào ao, hồ, kênh, mương, công trình thủy lợi, công trình xây dựng khác.

Việc sản xuất vật liệu xây dựng bằng các loại lò tuynel hiện đại cũng làm tăng giá trị sử dụng đất và tiết kiệm nguồn tài nguyên không tái tạo. Khi hạn chế sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng, các nhà máy gạch tuynel cũng bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

KS Nguyễn Đức Hiệp - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Đầu tư xây dựng Xuân Mai chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất và thi công lắp đặt tấm tường Acotec - bê tông tiền chế, không chịu lực và được sử dụng làm tường ngăn trong chung cư, khách sạn, trường học, bệnh viện; tường hàng rào dự án.

"Sử dụng tấm tường Acotec mang lại nhiều ưu điểm, trọng lượng nhẹ, cách âm, chóng cháy, chồng ẩm tốt; thi công nhanh, ít nhân lực; là loạt VLXKN, thân thiện môi trường, tái chế tốt; khi thi công mang lại bề mặt phẳng, không trát, dễ dàng lắp đặt MEP và cuối cùng tăng diện dích sử dụng và giá thành phù hợp" - KS Nguyễn Đức Hiệp cho hay.