Quận Bắc Từ Liêm là một trong những quận nội thành, nằm ở phía tây của thủ đô Hà Nội, phía Đông giáp quận Tây Hồ, phía Đông Nam giáp quận Cầu Giấy, phía Tây giáp các huyện Hoài Đức và Đan Phượng, phía Nam giáp quận Nam Từ Liêm, phía Bắc giáp huyện Đông Anh.
Quận Bắc Từ Liêm được thành lập theo Nghị quyết số 132/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ, trên cơ sở điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 9 xã: Thượng Cát, Liên Mạc, Tây Tựu, Thụy Phương, Minh Khai, Phú Diễn, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế; 9,30 ha diện tích tự nhiên và 596 nhân khẩu của xã Xuân Phương; 75,48 ha diện tích tự nhiên và 10.126 nhân khẩu của thị trấn Cầu Diễn thuộc huyện Từ Liêm cũ. Gồm 13 phường với diện tích 4.335,34 ha (43,35 km²), dân số năm 2017 là 333.300 người.
Khi mới thành lập, Bắc Từ Liêm là một quận đan xen giữa đô thị và nông thôn. Những đặc trưng của làng xã, những tập tục sinh hoạt của nền nông nghiệp, nông thôn vẫn chi phối trong cách nghĩ, cách làm, và sinh hoạt ở nhiều nơi.
Xuất phát điểm về kinh tế của quận còn thấp so với các quận nội thành cũ, kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, trình độ dân trí, đội ngũ cán bộ không đồng đều nên còn khó khăn trong lãnh đạo, quản lý, điều hành để đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của quận. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố; sự giúp đỡ, phối hợp của các sở, ban, ngành thành phố, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Bắc Từ Liêm đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động, sáng tạo vận dụng các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực hiện nhiệm vụ của quận, từng bước ổn định, vươn lên và đạt được nhiều thành tựu to lớn và quan trọng trong 20 năm xây dựng và phát triển.
Hiện trạng ô nhiễm môi trường của quận Bắc Từ LiêmTình trạng ô nhiễm nguồn nước ở địa bàn quận Bắc Từ Liêm đang rất được quan tâm. Trên sông Nhuệ đoạn chảy từ Cổ Nhuế đến cầu Phú Diễn có nhiều điểm nước sông đen ngòm và bốc mùi tanh hôi, khiến cá chết hàng loạt, nhất là khi trời có gió thì khí thải lại càng lan ra xa. Người dân rất lo lắng vì những chất thải này có thể khiến họ mắc một số bệnh về da liễu hoặc đường hô hấp nhưng không có biện pháp nào ngoài chịu đựng nó.
Tại sông Cầu Đá thuộc phường Xuân Đỉnh và Cổ nhuế 1, sông Pheo thuộc phường Tây Tựu đang trở thành “sông chết” gây ô nhiễm, làm mất mỹ quan đô thị. Tình trạng ô nhiễm diễn ra nặng nề nhất, hai bên ven sông, cây cối um tùm, là nơi trú ngụ của ruồi muỗi và nhiều loại vi sinh vật khác, dưới lòng sông nước có màu đen kịt, rác thải nổi lềnh phềnh, bốc mùi khó chịu, đến chiều tối, nhất là ngày nắng nóng, mùi thối càng nồng nặc và đặc quánh.Mặt khác, theo thống kê từ trạm quan trắc, ô nhiễm không khí ở phố Nhổn, đường Phạm Văn Đồng đang ở mức báo động nhất Hà Nội. Nguyên nhân chính là do khói bụi của các công trường xây dựng và khí thải từ các phương tiện giao thông. Chính điều này đã khiến cho người dân mỗi khi tham gia giao thông đều phải sử dụng khẩu trang, áo khoác để tránh khói bụi.
Nằm ngay cạnh phường Tây Tựu, phường Minh Khai cũng gặp phải tình trạng ô nhiễm chất thải rắn. Trước đó, chính quyền đã cho tiến hành nạo vét và xây đắp bờ kè quanh con sông chảy qua địa phận phường nhưng không hiểu do đâu mà hiện nay, sau khi dự án kết thúc, lòng sông vẫn còn chất thải trong quá trình xây dựng cùng với rác thải sinh hoạt của người dân..Tại con đường một phần thuộc dự án đường Hoàng Quốc Việt kéo dài, đoạn nối từ đường Hoàng Quốc Việt với khu đô thị Nam Thăng Long, xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi, mặt đường là dòng nước thải đen ngòm có mùi hôi thối, nhiều đoạn còn xuất hiện các bãi sình lầy do nước thải đọng lâu ngày không thoát được. Đặc biệt, nhiều chỗ còn xuất hiện cả những hố như ao tù, vào ngày mưa thì ẩm thấp và ruồi muỗi, còn ngày nắng thì hôi thối.Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ các cấp ủy Đảng, chính quyền quận đến các phường trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức, vai trò, trách nhiệm của người quản lý, người sản xuất kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng trong các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh thực phẩm trên đia bàn quận Bắc Từ Liêm còn xảy ra nhiều sai phạm. Trong đó chủ yếu là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, nước uống đóng chai, đá viên…
Một số giải pháp cho hoạt động quản lý bảo vệ môi trường
Trên cơ sở nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của từng địa phương, cũng như nắm bắt rõ được những bất cập và hạn chế trong công tác quản lý hoạt động bảo vệ môi trường, các ban ngành của địa phương đề xuất kịp thời cho các cấp ủy đảng, chính quyền, các Bộ, sở ban ngành trong việc xây dựng hoàn thiện chính sách về bảo vệ môi trường; cấp phép các dự án đầu tư, xây dựng; cấp phép việc khai thác tài nguyên khoáng sản; vận chuyển, xử lý các chất thải nguy hiểm…, thẩm định, phê duyệt các đề án, báo cáo đánh giá tác động môi trường.Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường cần phải được lồng ghép thực hiện khi tiến hành kiểm tra hoặc phối hợp thanh tra đối với các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Chính vì vậy, những vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đã được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từng bước khắc phục, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường từng bước được nâng cao.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công, các đơn vị chức năng của quận cần có báo cáo đánh giá tác động môi trường, xem nguyên nhân chính, nguyên nhân chủ yếu gây ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường, ví dụ như từ phế thải của các công trình xây dựng.
Các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, kiến nghị, đề nghị các cấp có thẩm quyền, các Bộ, ban ngành đưa ra các giải pháp để xử lý, khắc phục, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó trực tiếp ra quyết định hoặc đề xuất các cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Cùng với việc phân định rõ trách nhiệm của từng lực lượng, gắn với lĩnh vực được phân công, cần phải xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn bồi dưỡng, nâng cao năng lực phòng, chống vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cho các lực lượng chức năng chuyên trách về công tác bảo vệ môi trường. Các nội dung cần tập huấn gồm: chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát môi trường trong phòng, chống vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, những quy định của pháp luật về hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản; về báo cáo đánh giá tác động môi trường; về thu gom, bảo quản, vận chuyển và xử lý chất thải…Trên cơ sở kết quả tập huấn; cán bộ trực tiếp làm công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nâng cao năng lực, kỹ năng chuyên môn của mình. Từ đó, phục vụ có hiệu quả công tác chuyên môn được phân công.