70 năm giải phóng Thủ đô

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: Rộng cửa đón dòng vốn châu Âu

Ngọc Trâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự kiện Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong đó có Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng mạnh. Hiệp định sẽ góp phần mang lại dòng vốn chất lượng cao, các nhà đầu tư lớn và đặc biệt là hiện thực hóa các tiêu chuẩn thể chế kinh tế hiện đại của thế giới.

 Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty CP May Đức Giang. Ảnh: Hải Linh

Động lực thúc đẩy dòng vốn FDI
Năm 2019, EU có 2.375 dự án (tăng 182 dự án so với năm 2018) từ 27/28 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 25,49 tỷ USD (tăng 1,19 tỷ USD) chiếm 7,70% số dự án của cả nước và chiếm 7,03% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước. Trong đó, Hà Lan đứng đầu với 344 dự án và 10,05 tỷ USD, chiếm 39,43% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam. Vương quốc Anh đứng thứ hai với 380 dự án và 3,72 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 14,58% tổng vốn đầu tư. Tiếp đến là Pháp (3,62 tỷ USD), Luxembourg (2,33 tỷ USD), Đức (hơn 1,8 tỷ USD)…
Để thu hút NĐT EU, chúng tôi khuyến nghị: Minh bạch về giấy phép kinh doanh và sử dụng đất; đơn giản các quy trình thủ tục hành chính; giám sát sự phát triển và tiến triển của các dự án đang thực hiện, với mục đích tránh những khó khăn khi bắt đầu hoạt động. Bên cạnh đó, cách để tạo ra sức hấp dẫn nhiều hơn đối với các NĐT công nghệ cao nước ngoài là Việt Nam cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực.
Chủ tịch Eurocham Việt Nam Nicolas Audier
Một số tập đoàn lớn của EU đang hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam như BP (Anh), Shell Group (Hà Lan), Total Elf Fina (Pháp Bỉ), Daimler Chrysler (Đức), Siemen, Alcatel Comvik (Thụy Điển).
Theo cam kết trong EVFTA, các nước EU sẽ xóa bỏ 84% dòng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực. Trong 7 năm, từ ngày EVFTA có hiệu lực, hơn 99% dòng thuế sẽ được xóa bỏ cho Việt Nam. Trong Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA, Việt Nam sẽ tự do hóa thị trường đầu tư, không phân biệt đối xử với nhà đầu tư (NĐT) khi nghiên cứu tìm hiểu thị trường. Đầu tư vào Việt Nam, các NĐT châu Âu sẽ có điều kiện tiếp cận không chỉ với 100 triệu dân ở thị trường đang phát triển mạnh mẽ này mà còn 600 triệu dân ở thị trường khu vực ASEAN; và còn rất nhiều quốc gia đối tác khác, khai thác được cả những thuận lợi, ưu đãi của các hoạt động thương mại đối với các khu vực thương mại tự do khác mà Việt Nam tham gia.
Báo cáo của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy, trong khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia hàng đầu xuất khẩu hàng hóa sang EU và sẽ nhận được nhiều lợi ích so với các hiệp định thương mại (FTA) khác đã tham gia bởi EU và Việt Nam là 2 thị trường bổ sung, hỗ trợ nhau. Chính vì thế, cả DN Việt Nam và các NĐT châu Âu đều có cơ hội mở rộng thị trường. Từ đó, cánh cửa để Việt Nam thu hút dòng vốn FDI lớn hơn từ EU trong thời gian tới cũng rộng mở.
Cơ hội hút vốn chất lượng cao
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, với lực hút đầu tư từ các FTA, Việt Nam đang có nhiều nhà máy sợi rất hiện đại. Hàng loạt DN lớn từ châu Âu và Mỹ đã đầu tư dự án kéo sợi len lông cừu tại Đà Lạt, hay các dự án dệt ở Bình Định, Nam Định... Ngoài ra còn có rất nhiều NĐT từ Nga, Trung Đông đã đến Việt Nam để đầu tư vào lĩnh vực nguyên phụ liệu, dệt, nhuộm với các dự án lên tới hàng trăm triệu USD. Điều này cho thấy, lực hút từ các FTA rất tốt. Ông Giang cho rằng, EVFTA hay CPTPP đang tạo ra động lực làm dịch chuyển dòng vốn FDI về Việt Nam, đem về những dòng vốn chất lượng cao cùng cơ hội chuyển giao công nghệ sạch và hiện đại.
Vấn đề của Việt Nam là làm sao khắc phục được những hạn chế hiện tại của môi trường đầu tư, tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách. Đặc biệt, phải bảo đảm sự nhất quán, dễ hiểu và hiểu đúng tinh thần luật, bởi NĐT cần sự rõ ràng. Việc cần làm lúc này là sớm đưa ra được danh mục dự án thu hút đầu tư phù hợp. Có dự án tốt, NĐT sẽ mặn mà hơn với thị trường Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội DN FDI Nguyễn Mại
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam chủ trương chuyển hướng thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng. EVFTA giúp Việt Nam cải thiện chất lượng đầu tư nước ngoài, thu hút thêm các NĐT trong một số ngành nghề mà EU có tiềm năng như công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính. Phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, việc chuẩn bị từ phía Việt Nam và DN Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh, nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, khả năng hấp thụ công nghệ… đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy các cơ hội này.
Đánh giá về cơ hội từ EVFTA, TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho biết, các chuỗi giá trị sản xuất đang thay đổi và đây là cơ hội để giảm phụ thuộc nhiều vào các NĐT từ châu Á. “Cùng với thu hút dòng vốn đầu tư, Việt Nam cũng sẽ có động lực thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính phù hợp đón dòng vốn này” - ông Cung nhận định.