Hiệp hội Kinh doanh vàng kiến nghị giữ nguyên thuế xuất nhập khẩu vàng bằng 0%

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị không điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu vàng, giữ nguyên mức thuế xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ bằng 0% nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất và tăng cường xuất khẩu.

Thúc đẩy xuất khẩu theo đường chính ngạch

Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo tờ trình Dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

Hiệp hội Kinh doanh vàng (VGTA) kiến nghị Nhà nước quy định thuế xuất khẩu vàng trang sức kỹ nghệ bằng 0%

Đáng chú ý, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng vàng. Cụ thể, theo dự thảo của Bộ Tài chính, mức thuế suất xuất khẩu đối với các mặt hàng vàng trang sức, mỹ nghệ là 2%, thay vì phân biệt mức thuế suất theo hàm lượng vàng như hiện nay. Được biết theo quy định hiện hành, mức thuế 0% được áp dụng đối với vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng vàng từ dưới 95% trở xuống và các mặt hàng có hàm lượng vàng từ 95% trở lên mức thuế xuất khẩu là 2%.

VGTA cho rằng nếu theo mức thuế 2% (áp dụng với tất cả sản phẩm vàng xuất khẩu) như dự thảo chắc chắn các doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ không thể xuất khẩu được. Bởi hiện doanh nghiệp vàng ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore đều được hưởng thuế nhập khẩu vàng nguyên liệu 0%, thuế xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ 0%...

Bên cạnh đó, họ còn được nhập khẩu vàng nguyên liệu và chi phí nhân công rẻ hơn, thiết bị công nghệ hiện đại hơn… Đồng thời, các quốc gia này khuyến khích phát triển thị trường vàng bạc đá quý. Kim ngạch xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ của Thái Lan đã vượt trên 10 tỷ USD, Singapore trên 8 tỷ USD, Indonesia trên 6 tỷ USD… Theo số liệu của hội đồng Vàng thế giới, ngành vàng bạc đá quý đã trở thành một trong những ngành mũi nhọn của các quốc gia trên.

Theo VGTA, nếu theo mức thuế 2% như dự thảo chắc chắn các doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ không thể thực hiện xuất khẩu được các mặt hàng này.

Do năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên thị trường quốc tế hiện nay rất yếu. Để khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh vàng ổn định sản xuất nên quy định thuế xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ bằng 0%.

Trong trường hợp, nếu Bộ Tài chính thấy cần hạn chế xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng cao từ 95% trở lên thì có thể giữ mức thuế xuất khẩu theo quy định hiện hành tại, tức giữ lại mức thuế 0% đối với vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng vàng từ dưới 95% trở xuống còn từ 95% trở lên thì vẫn mức 2% thuế xuất khẩu.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong năm 2019 các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã xuất khẩu được 2,1 tỷ USD, tăng 231,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong năm 2020 xuất khẩu được 2,6 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tập trung chủ yếu mặt hàng đồ kỹ nghệ và các bộ phận của đồ kỹ nghệ bằng vàng, đã hoặc chưa mạ hoặc dát phủ kim loại quý, có hàm lượng vàng dưới 95%. Riêng Tập đoàn DOJI từ năm 2016-2020 đã xuất khẩu được 53,8 tấn sản phẩm vàng kim hoàn, mỹ nghệ thu về cho đất nước 2,5 tỷ USD.

Vì thế, theo VNTA, nếu ngành vàng bạc đá quý Việt Nam nhận được sự hỗ trợ tốt từ chính sách của Chính phủ thì chắc chắn trong tương lai gần ngành công nghiệp chế tác này cũng sẽ trở thành một trong những ngành mũi nhọn của nền kinh tế.

"Còn nếu quy định mức 2% như dự kiến của Bộ Tài chính "chỉ để đơn giản hóa biểu thuế" và thuận lợi cho công tác hải quan, các doanh nghiệp vàng không thể thực hiện xuất khẩu được với mức thuế này, vì vàng trang sức mỹ nghệ có giá trị cao và con đường đầu tư xuất khẩu cũng bế tắc, nguồn thu ngoại tệ không có và nguồn thu ngân sách thông qua thuế xuất khẩu cũng có thể sẽ bằng 0" -VGTA phân tích. Chưa kể, nếu quy định mức thuế xuất khẩu như dự kiến là 2%, việc xuất khẩu chính ngạch của các doanh nghiệp sẽ không có và xuất khẩu lậu qua biên giới sẽ tăng mạnh và rất khó kiểm soát. Đồng thời, cũng sẽ gây khó khăn cho việc điều hành chính sách tiền tệ do hành vi buôn lậu vàng qua biên giới.

Giá vàng cao kỷ lục so với thế giới, tiềm ẩn nguy cơ xuất lậu

Trong tuần qua, giá vàng thế giới đã giảm rất sâu xuống dưới vùng 1.800 USD/ounce, giá vàng miếng trong nước lại ghi nhận giảm rất chậm. mức cao kỷ lục trong 2 năm trở lại đây.

Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều tháng nay các cửa hàng đóng cửa, gần đây thị trường Hà Nội cũng tương tự. "Các hoạt động mua bán không diễn ra thì cũng không có ai chốt lời. Giới kinh doanh vàng “neo” ở mức cao để giữ giá là chính, chứ không phản ánh đúng những diễn biến trên thị trường là khi lực mua cao hơn lực bán mới đẩy chênh lệch giá trong và ngoài nước tăng cao.

Điều này đã khiến chênh lệch giá giữa 2 thị trường trong nước và thế giới bị nới rộng lên mức 9 triệu đồng/lượng. Theo đó, người mua vàng trong nước đang phải trả mức giá đắt hơn gần 20% để mua cùng một lượng vàng so với giá thế giới.

Giá vàng thế giới đã giảm liên tục 2 tuần gần đây sau khi chính phủ Mỹ công bố các chính sách tài khóa mới, bao gồm các gói cứu trợ 1.000 tỷ USD đầu tư hạ tầng, và gói an sinh xã hội khoảng 3.500 tỷ USD. Các thị trường tiêu thụ vàng vật chất lớn như Ấn Độ, Trung Quốc đang phòng chống dịch nên sức tiêu thụ không nhiều và giá giảm là hợp lý. “Trong khi giá vàng trong nước cao hơn thế giới gần 9 triệu đồng là khó chấp nhận và người mua vàng thời điểm này sẽ gặp rất nhiều rủi ro về giá” - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Các chuyên gia cho rằng việc giá trong nước cao hơn thế giới lên tới 9 triệu đồng mỗi lượng sẽ gây ra một số hệ lụy trong đó đáng lo nhất là tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới. Thực tế, nỗi lo vàng lậu đã được các chuyên gia nghi ngại từ lâu, khi giá vàng trong nước chênh cao với giá thế giới từ nhiều năm nay, và không phải là không có cơ sở. Nhiều vụ phát hiện và bắt giữ vàng lậu tuồn qua biên giới cho thấy đây là vấn nạn nhức nhối gây vừa thất thu thuế, lại tăng nguy cơ vàng hóa trong nền kinh tế.

Gần đây nhất, vụ bắt giữ các đối tượng buôn lậu 51kg vàng vận chuyển trái phép qua biên giới Campuchia vào Việt Nam là ví dụ điển hình. Theo tính toán, khi giá vàng, kim loại quý và ngoại tệ trong nước cao hơn giá thế giới hoặc ngược lại, hoặc khi thay đổi tỷ giá thì hoạt động nhập lậu, xuất lậu các mặt hàng này sẽ gia tăng do lợi nhuận hấp dẫn.