Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệp ước quốc phòng AUKUS: "Giọt nước tràn ly" cho quan hệ Trung Quốc - Australia?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong hơn 20 năm, Australia đã cố gắng duy trì quan hệ cân bằng với cả Mỹ và Trung Quốc, nhưng thỏa thuận quân sự mới đây với Mỹ và Anh có thể thay đổi điều này.

Với việc công bố một thỏa thuận an ninh mới với Mỹ và Vương quốc Anh hôm 16/9, trong đó ​​Australia sẽ phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, Canberra đã thể hiện rõ quan điểm - họ đã chọn Washington thay vì Bắc Kinh.
Thỏa thuận AUKUS – động thái mới của Australia
Với động thái này, một số chuyên gia cho rằng Australia đã ở vào thế đối đầu không cần thiết với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này, đồng thời khiến mình phụ thuộc quá mức vào Mỹ trong bối cảnh căng thẳng căng thẳng leo thang ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Trong những năm gần đây, Thủ tướng Scott Morrison đã chuyển sang coi trọng Mỹ hơn với tư cách là một đối tác an ninh, xây dựng mối quan hệ cá nhân với cựu Tổng thống Donald Trump và nỗ lực làm điều tương tự với người kế nhiệm. Cùng lúc, mối quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh thì tiếp tục chuyển biến xấu, khi Australia liên tiếp kêu gọi việc điều tra nguồn gốc của Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu.
 Từ trái qua: Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton, Ngoại trưởng Australia Marise Payne, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Washington ngày 16 /9. Ảnh: Reuters

Hôm 16/9, Trung Quốc phản ứng giận dữ về thỏa thuận AUKUS khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Zhao Lijan khẳng định, nguyên nhân khiến mối quan hệ song phương trở nên tồi tệ "hoàn toàn do Australia."
Yun Jiang- nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia, ví von thỏa thuận này như "chiếc đinh cuối cùng đóng lên cỗ quan tài" mà ở đây là quan hệ song phương Australia - Trung Quốc, qua đó triệt tiêu mọi cơ hội cải thiện mối quan hệ giữa hai bên, ít nhất là trong ngắn hạn.
Theo CNN, thỏa thuận AUKUS mà Tổng thống Mỹ Joe Biden miêu tả là "lịch sử", dù không đề cập rõ ràng đến Trung Quốc nhưng rõ ràng nhắm vào Bắc Kinh.
Theo thỏa thuận này, ba nước sẽ tổ chức các cuộc họp để phối hợp về các vấn đề mạng, công nghệ tiên tiến và quốc phòng nhằm đối phó tốt hơn với các thách thức an ninh thời hiện đại.
Trong cuộc họp báo sau tuyên bố về thỏa thuận, nhà lãnh đạo Australia mô tả thỏa thuận này là "quan hệ đối tác mãi mãi."
Cùng ngày, phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Australia nên "nghiêm túc xem xét việc xem Trung Quốc là đối tác hay mối đe dọa."
Thành công trong quá khứ của Australia trong việc cân bằng các mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc đã đảm bảo an ninh và sự thịnh vượng kinh tế của nước này dưới thời các chính phủ  nhiệm.
Nền kinh tế Australia được hưởng lợi từ mối quan hệ với Bắc Kinh. Xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng từ khoảng 3,6 tỷ USD vào năm 2000 lên hơn 74 tỷ USD vào năm 2015. Một số nhà kinh tế cho rằng một phần nhờ thị trường Trung Quốc mà Australia thoát khỏi suy thoái trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2017.
Tuy nhiên, lời kêu gọi của Thủ tướng Morrison vào tháng 4/2020 về việc điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, một chủ đề nhạy cảm đối với Chính phủ Trung Quốc, đã khiến quan hệ Canberra-Bắc Kinh trở nên trầm trọng.
Các mặt hàng xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc bắt đầu gặp khó, phải chịu thời gian trì hoãn hải quan kéo dài và bị áp thuế quan tạm thời. Kể từ tháng 9/2021, than đá, rượu vang, lúa mạch và thịt bò của Australia đều bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại với Trung Quốc.
Quay đầu là vách núi?
Một số nhà phân tích cho rằng thỏa thuận AUKUS đã đẩy Australia vào thế “không còn đường lui”.
 Thủ tướng Australia Scott Morrison. Ảnh: AP
Rory Medcalf, người đứng đầu trường Cao đẳng An ninh Quốc gia của Đại học Quốc gia Australia, gọi đây là "thời điểm rubicon" (thời điểm quyết định) cho chính sách đối ngoại của Austrlia.
“Chính Australia đang báo hiệu rằng họ không thấy đường lui trong mối quan hệ với Trung Quốc, rằng phương án khả thi duy nhất vào lúc này là chung sống với cạnh tranh và sức ép,” chuyên gia này cho biết.
Theo thỏa thuận AUKUS, Australia sẽ trở thành quốc gia thứ bảy trên thế giới vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, sau Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp và Ấn Độ. Tuy nhiên, Australia không phải quốc gia duy nhất xích lại gần Mỹ. Richard McGregor, chuyên gia cấp cao của Viện Lowy, cho biết các thành viên khác của liên minh an ninh được gọi là "Bộ tứ", Ấn Độ và Nhật Bản, cũng đang làm việc với chính quyền Biden để cân bằng sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ông nói: “Đây chỉ là một trong nhiều loại thỏa thuận và quan hệ đối tác khác nhau đang được xây dựng trên khắp khu vực để đáp lại Trung Quốc”.
Ít nhất trong tương lai gần, Australia và Trung Quốc có thể sẽ đi vào một thời kỳ quan hệ lạnh nhạt. “Bắc Kinh sẽ xem xét trừng phạt Canberra vì thỏa thuận AUKUS, thậm chí có thể cố gắng giảm số lượng sinh viên Trung Quốc đến học tập tại các trường đại học Australia”, theo chuyên gia McGregor.