Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả cải tạo đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều chính sách, giải pháp tích cực nhằm thúc đẩy chăn nuôi phát triển, trong đó phải kể đến chính sách hỗ trợ người dân cải tạo và phát triển đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT).

Qua thời gian ngắn triển khai đã cho thấy rõ ưu thế vượt trội so với phương pháp thụ tinh truyền thống.

Ưu điểm vượt trội

Để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, từ năm 2010, TP đã có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi vật tư và quy trình thụ tinh nhân tạo để cải tạo đàn bò. Qua đó đã giúp người dân chủ động cải tạo được giống, từng bước nâng cao chất lượng đàn bò, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Anh Lê Văn Chỉnh, thôn Tiên Mai, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức là một hộ nuôi bò đã nhiều năm nay, nhưng chủ yếu cho bò phối giống tự nhiên. Sau khi được tuyên truyền, gia đình anh đã quyết định áp dụng phương pháp TTNT cho bò cái giống. Anh Chỉnh cho biết: “So với thụ tinh truyền thống, bê con sinh ra từ phương pháp mới này nặng hơn 3kg, sức đề kháng cũng cao hơn. Từ kết quả thực tế của gia đình tôi, nhiều hộ đã học tập làm theo. Hiện nay, trong thôn còn rất ít hộ áp dụng phương pháp phối giống truyền thống”.
Chăn nuôi bò BBB tại xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì. 	 Ảnh: Nguyễn Nga
Chăn nuôi bò BBB tại xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì. Ảnh: Nguyễn Nga
TTNT đã giúp cải thiện khả năng di truyền, cho phép sử dụng rộng rãi những bò đực giống có năng suất cao, có giá trị trên phạm vi rộng đến từng hộ chăn nuôi. Từ đó chất lượng đàn bò được cải thiện rõ rệt, như bò lai Brahman, Droughtmaster, BBB có tốc độ tăng trưởng nhanh từ 750 – 1000g/ngày. Chất lượng bê sinh ra từ TTNT được người chăn nuôi đánh giá cao về ngoại hình cũng như trọng lượng. Bê sinh trưởng nhanh, giá trị kinh tế tăng cao. Bê 4 tháng tuổi có giá bán từ 13 – 17 triệu đồng/con, cao hơn 2 – 3 triệu đồng so với bê phối giống tự nhiên. Đồng thời, hạn chế lây lan dịch bệnh, không du nhập bệnh mới nhờ hạn chế nhập bò đực giống. Việc theo dõi, ghi chép trong công tác quản lý giống được chính xác hơn, tránh tình trạng đồng huyết, cận huyết. Thu nhập chênh lệch của người chăn nuôi từ bán con giống, bán bò thịt, bò sữa trên địa bàn TP tăng thêm từ 290 – 386 tỷ đồng/năm. Tạo thêm việc làm cho người lao động ở nông thôn, nâng cao thu nhập cho dẫn tinh viên làm công tác TTNT bò.

Hướng chăn nuôi mới

Việc áp dụng TTNT đã mở ra một hướng phát triển mới trong chăn nuôi, phương pháp này không chỉ giúp nâng cao về chất lượng mà số lượng đàn cũng tăng lên đáng kể. Hiện nay, tổng đàn bò của toàn TP là 147.308 con, tăng 1.700 con so với cùng kỳ năm 2014. Năm 2015, Hà Nội đã triển khai được 118.492 liều tinh nhân tạo trên đàn bò, số bê sinh ra bằng phương pháp này khoảng 49.900 con, cung cấp ra thị trường khoảng 18.350 con bê lai hướng thịt, hướng sữa để thay thế đàn và bán làm giống. Giá trị kinh tế tạo ra từ công tác TTNT bò năm 2015 khoảng trên 700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc triển khai phương pháp này hiện vẫn còn nhiều khó khăn, một số vùng sâu vùng xa còn thiếu cán bộ chuyên môn làm công tác TTNT. “TTNT vẫn còn là biện pháp kỹ thuật mới lạ với người dân nên nhiều hộ còn e ngại khi áp dụng. Số bò cái ở rải rác, động dục lẻ tẻ, nên nếu chủ hộ không báo kịp thời cho dẫn tinh viên sẽ dẫn đến kết quả phối giống còn ít thành công” - ông Phan Văn Cao, một dẫn tinh viên của huyện Mỹ Đức chia sẻ.

Từ hiệu quả thực tế của phương pháp TTNT trên đàn bò đã thay đổi được quan điểm chăn nuôi của người dân, nâng tỷ lệ TTNT trên bò của Hà Nội đạt trên 60%. Thành công của chương trình không chỉ làm thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân mà còn tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học mới, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Đây có thể xem là bước đột phá nhằm nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò, mở ra hướng đi mới trong phát triển đàn bò hàng hóa có giá trị kinh tế cao của TP trong thời gian tới.