Hiệu quả của thức ăn hỗn hợp trong chăn nuôi bò

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nuôi bò bằng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (Total Mixed Ration - TMR) sẽ giúp lựa chọn được những loại thức ăn mà bò thích.

Nuôi bò bằng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (Total Mixed Ration - TMR) sẽ giúp lựa chọn được những loại thức ăn mà bò thích. Điều này, giúp người chăn nuôi sử dụng được nhiều loại thức ăn hơn cho bò, kể cả tận dụng các loại phế phụ phẩm trong nông nghiệp như thân cây ngô, cây họ đậu, các loại cỏ trồng...

 Thay đổi tập quán chăn nuôi  

Ông Dương Văn Hùng (xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội) là người tiên phong trong ứng dụng TMR cho đàn bò sữa của gia đình. Đây là phương pháp nuôi dưỡng bò sữa mà tất cả thức ăn thô xanh, thức ăn hạt, phụ phẩm, thức ăn bổ sung khoáng, vitamin được chế biến thành một hỗn hợp thức ăn hoàn chỉnh dinh dưỡng sau đó cho bò ăn.
Ông Dương Văn Hùng đang sử dụng máy trộn thức ăn TMR.
Ông Dương Văn Hùng đang sử dụng máy trộn thức ăn TMR.
Được Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội giúp đỡ về công cụ máy trộn thức ăn hỗn hợp, qua tìm hiểu thực tế, đi tham quan học tập (nhất là thăm quy trình sử dụng thức ăn tại trại chăn nuôi bò sữa Mộc Châu), ông Hùng đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng và sử dụng 100% TMR cho đàn bò sữa của gia đình. Khi ăn TMR, bò giảm thiểu những rối loạn tiêu hóa và trao đổi chất thường gặp so với thức ăn thường. Từ số lượng TMR mà bò ăn có thể tính ngay được chính xác vật chất khô mà bò tiêu thụ trong ngày. Nói cách khác, nuôi bò bằng TMR dễ dàng xác định được chính xác lượng chất khô khẩu phần mà bò ăn vào, điều này sẽ giúp thay đổi hẳn tập quán chăn nuôi như trước đây. Mặt khác, khi sử dụng TMR sẽ dễ dàng đóng góp nhu cầu dinh dưỡng cho bò.

Hiệu quả kinh tế

Chỉ sau hơn một năm, đàn bò sữa của gia đình ông Hùng đã tăng từ 30 con lên 42 con, số con cho vắt sữa có lượng sữa tăng từ 1,5 - 2 lít/con/ngày so với trước đây. Đặc biệt, thể trạng đàn bò tốt, tỷ lệ bò mắc bệnh chậm sinh giảm hẳn. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, TMR phải được thực hiện theo công thức phối trộn cho từng nhóm, như nhóm bò đang cho vắt sữa có công thức riêng, nhóm bò đang cạn sữa có công thức riêng và bê có một công thức riêng...

Việc phân loại sử dụng như vậy sẽ đáp ứng khả năng hấp thụ của từng cá thể bò để sinh trưởng và phát triển cũng như khả năng cho sữa phù hợp, hiệu quả cao nhất. Nhờ kiểm soát tốt lượng thức ăn nên cũng kiểm soát tốt hơn chi phí thức ăn. Từ đó, giảm diện tích trồng cỏ nhưng lại nâng được số đầu bò/đơn vị diện tích đất, giảm nhân công lao động chăm sóc nuôi dưỡng, tăng hiệu quả kinh tế. Chính vì vậy, sau hơn một năm sử dụng TMR, đàn bò nhà ông Hùng đã tăng 12 con mà không cần tăng nhân công lao động. Sản lượng sữa tăng từ 5 tấn lên 5,6 tấn/chu kỳ. Hiện tại, sau khi trừ chi phí (cả đầu tư xây dựng nhà xưởng), với 3 lao động chính, gia đình ông thu nhập khoảng trên 30 triệu đồng/tháng.

Theo ông Dương Văn Hùng, từ khi có máy chế biến TMR, việc chăn nuôi của gia đình vừa nhàn vừa hiệu quả. Ông Hùng mong muốn có nhiều người sử dụng TMR cho bò sữa như gia đình mình để từ đó thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa phát triển. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần