Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả đầu tư thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số huyện Mỹ Đức

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 5 năm qua, với sự quan tâm, đầu tư lớn của TP Hà Nội, nhiều dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đã được hoàn thành, phát huy hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại xã An Phú (huyện Mỹ Đức).

Cơ sở hạ tầng xã An Phú được quan tâm đầu tư ngày một đồng bộ, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương của đồng bào các dân tộc.
Cơ sở hạ tầng xã An Phú được quan tâm đầu tư ngày một đồng bộ, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương của đồng bào các dân tộc.

Đường về An Phú không còn xa

Nằm giáp ranh 2 tỉnh Hoà Bình và Hà Nam, xã An Phú có 13 thôn với tổng dân số hơn 10.000 người, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 57%, chủ yếu là dân tộc Mường. Nhiều năm trước, việc đi lại của đồng bào các dân tộc nơi đây rất khó khăn do địa bàn xa trung tâm, hệ thống giao thông chủ yếu là đường đất.

Kể từ khi hợp nhất về với Thủ đô, nhất là khoảng 5 năm trở lại đây, được sự quan tâm đầu tư lớn của TP Hà Nội, hạ tầng giao thông về xã An Phú đã được nâng cấp ngày một đồng bộ. Một loạt tuyến đường được xây dựng từ nguồn vốn Kế hoạch số 253/KH-UBND của UBND TP Hà Nội đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Có thể kể tới đường trục chính đi khu chuyển đổi thôn Thanh Hà; đường trục chính đi khu chuyển đổi thôn Nam Hưng; đường giao thông nông thôn đoạn từ thôn Đồng Chiêm đến đường liên xã; đường trục chính từ UBND xã An Phú đến Quốc lộ 21A…

“Hệ thống giao thông được đầu tư nâng cấp ngày một đồng bộ giúp việc đi lại, giao thương của người dân, trong đó có gần 60% là đồng bào DTTS ngày một thuận lợi hơn. Đời sống kinh tế của người dân cũng được cải thiện…” - bà Nguyễn Thị Huê, người có uy tín xã An Phú chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND xã An Phú Bùi Văn Chuyện, thực hiện Kế hoạch số 253/KH-UBND của UBND TP Hà Nội, từ năm 2021 đến nay, khoảng 250 tỷ đồng đã được UBND TP Hà Nội hỗ trợ để địa phương triển khai 16 dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng.

“Trước đó, thực hiện Kế hoạch số 138/KH-UBND của UBND TP Hà Nội, xã An Phú cũng được hỗ trợ đầu tư xây dựng 6 dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, với tổng kinh phí 56 tỷ đồng Đến nay, các dự án đều đang phát huy hiệu quả tích cực phục vụ đồng bào…” - ông Bùi Văn Chuyện thông tin thêm.

Đời sống đồng bào vùng dân tộc xã An Phú (huyện Mỹ Đức) đổi thay tích cực trong 5 năm qua.
Đời sống đồng bào vùng dân tộc xã An Phú (huyện Mỹ Đức) đổi thay tích cực trong 5 năm qua.

Chuyển biến trong kinh tế - xã hội

Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã An Phú. Tính trong giai đoạn 2019 - 2024, tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của địa phương này đạt khoảng 6%.

Đồng bào các dân tộc tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đẩy mạnh các mô hình kinh tế mới như trồng sen kết hợp nuôi trồng thuỷ sản. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người dân xã An Phú đến nay đã đạt khoảng 56 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, hiện còn 0,8 %. Xã An Phú cũng đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh đánh giá, kết quả phát triển của xã An Phú trong 5 năm qua (2019 - 2024) có được là nhờ sự quan tâm đầu tư lớn về nguồn lực của Hà Nội. Trên cơ sở nguồn lực của TP, địa phương đã chỉ đạo thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các dự án dân sinh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án được thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Hiện, UBND huyện Mỹ Đức đang chỉ đạo xã An Phú duy trì thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành, duy tu, sửa chữa các công trình nhằm bảo đảm hiệu quả sau đầu tư. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, rà soát để trình UBND TP Hà Nội xem xét, bổ sung nguồn lực đầu tư nhằm nâng cấp đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội.

Cũng theo ông Đặng Văn Cảnh, cùng với tiếp tục huy động các nguồn lực để nâng cấp hạ tầng, trong những năm tới, huyện Mỹ Đức sẽ tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bào DTTS để thúc đẩy phát triển kinh tế. Trọng tâm là du lịch sinh thái, kết hợp nuôi trồng thủy sản và trồng cây hoa sen, cây thuốc Nam, nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo nhanh và bền vững cho đồng bào các dân tộc.  

 

“Những kết quả đạt được từ các chương trình, dự án đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp người dân xã An Phú có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống, đồng thời nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần. Điều này khẳng định chủ trương đúng đắn, sự quan tâm lớn của TP Hà Nội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung…” - Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân.