Hiệu quả mô hình mạ khay, cấy máy
Do hiệu quả thực tiễn mang lại, mô hình mạ khay, cấy máy nhanh chóng được nhân rộng không chỉ ở Vân Phúc mà ở nhiều địa phương khác trên địa bàn Phúc Thọ như các xã Ngọc Tảo, Phụng Thượng, Võng Xuyên, Hát Môn… Vốn là một huyện thuần nông, lại nằm trong quy hoạch vành đai xanh của Thủ đô nên Phúc Thọ đặc biệt quan tâm tới phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của cơ giới hóa (CGH) trong việc cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp, UBND huyện Phúc Thọ đã ban hành riêng một đề án CGH ngành trồng trọt trên địa bàn. Trong đó, với mô hình làm điểm mạ khay, cấy máy, huyện có cơ chế hỗ trợ 50% kinh phí mua máy cấy, máy gieo hạt, máy phủ đất cho các xã, thị trấn. Tổng số tiền hỗ trợ mô hình từ năm 2014 đến nay là hơn 5,5 tỷ đồng. Theo thống kê, toàn huyện Phúc Thọ hiện có 36 máy cấy, máy gieo hạt phủ đất 40 máy, nâng tỷ lệ CGH trong khâu gieo cấy lên xấp xỉ 10%. Ngoài ra, một số khâu khác trong trồng trọt cũng được đẩy mạnh ứng dụng CGH. Hiện nay, trên địa bàn huyện Phúc Thọ có trên 500 máy làm đất, tỷ lệ CGH đạt 100% và hơn 40 máy gặt đập liên hợp, tỷ lệ CGH trong khâu thu hoạch đạt 40 - 45%.Ông Phùng Anh Tuấn – Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết, do tích cực áp dụng CGH, chi phí sản xuất nông nghiệp đã giảm đáng kể. Cụ thể, so với phương pháp cấy lúa truyền thống, cấy máy cho hiệu quả kinh tế cao hơn 6 - 7 triệu đồng/ha và máy gặt đập liên hợp giúp giảm chi phí khoảng 150.000 - 200.000đồng/sào. Không chỉ vậy, gặt máy còn hạn chế lượng hao hụt khi thu hoạch, góp phần cải thiện chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Ông Tuấn cho biết thêm, hiện nay, số lượng máy nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn đang có xu hướng tăng. Trong thời gian tới, Phúc Thọ sẽ tiếp tục có nhiều cơ chế hỗ trợ để khuyến khích ứng dụng CGH trong lĩnh vực trồng trọt nói riêng và trong sản xuất nông nghiệp nói chung.