Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả sau chuyển đổi ở Thủy Xuân Tiên

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với tái cơ cấu nông nghiệp ở xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ đã thực sự mang lại hiệu quả, góp phần tăng giá trị sản xuất và nâng cao thu nhập của người dân.

Tạo đà chuyển đổi cây trồng
Thủy Xuân Tiên vốn là một xã thuần nông của huyện Chương Mỹ. Do là vùng bán sơn địa nên ruộng đất không bằng phẳng, bị chia cắt manh mún. Đây là một trong những trở ngại lớn của sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trước đây, người dân chủ yếu canh tác lúa một hoặc hai vụ không ăn chắc, cộng thêm một số diện tích vườn cây ăn quả tạp nên hiệu quả kinh tế không cao. Khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã Thủy Xuân Tiên đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Trong đó, việc cải tạo diện tích cấy lúa bấp bênh, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả tập trung được đặc biệt quan tâm.
 Chị Tạ Thị Linh, Trí Thủy, Thủy Xuân Tiên, Chương Mỹ bên vườn cam Canh của gia đình.
Để thực hiện được chủ trương trên, xã đã tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất. Theo đó, xã tổ chức quy hoạch, cứng hóa 100% tuyến đường trục chính nội đồng. Đồng thời cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tưới tiêu. Ngoài ra, xã cũng đầu tư xây dựng đường điện cao thế, nâng cấp 14 trạm biến áp và có kế hoạch xây dựng mới, nâng cấp 6 trạm biến áp phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân.
Cùng với đó, xã đã tiến hành dồn điền đổi thửa 100% diện tích canh tác, từng bước khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, khuyến khích việc hình thành một số vùng sản xuất tập trung. Ngoài ra, còn tạo điều kiện để người dân đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo bước chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công.
Nâng cao giá trị sản xuất
Sau một năm về đích NTM, bộ mặt nông thôn của xã Thủy Xuân Tiên đã có nhiều thay đổi đáng kể. Một trong những thành quả thiết thực nhất hiện hữu ở nơi đây chính là những vườn cây ăn quả khoe trái xum xuê, đã tới thời kỳ thu hoạch. Chị Tạ Thị Linh, thôn Trí Thủy cho biết, từ khi chuyển đổi sang trồng cây ăn quả lâu năm thu nhập của gia đình tăng lên đáng kể. Hiện nay, gia đình chị đang canh tác 1ha, chủ yếu là cây bưởi và cam Canh, doanh thu ước tính khoảng trên 300 triệu đồng/năm. “Đây là mức  thu nhập mà trước đây có nằm mơ gia đình tôi cũng không dám nghĩ đến” - chị Linh chia sẻ.
Theo thống kê, toàn xã Thủy Xuân Tiên đã chuyển đổi được 300ha vườn tạp và diện tích cấy lúa không ăn chắc sang trồng cây ăn quả lâu năm cho hiệu quả kinh tế cao như bưởi, cam, ổi… Sau một thời gian chuyển đổi, hiện nay các vườn cây ăn quả đã bắt đầu cho thu hoạch. Nhiều mô hình có thu nhập cả trăm triệu đồng đã hình thành, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Toàn xã hiện có trên 200 mô hình cây ăn quả cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Qua đó cho thấy, việc thực hiện xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp ở Thủy Xuân Tiên đã thực sự đem lại hiệu quả cao. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã tăng lên rõ rệt, với mức thu nhập gần 34 triệu đồng/người/năm. Thu nhập của người dân được nâng cao, đồng nghĩa với việc giúp địa phương duy trì và nâng cao tiêu chí thu nhập trong NTM.
Xây dựng NTM đã tạo tiền đề quan trọng cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, làm thay đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là về quy hoạch, tổ chức sản xuất. Nếu không xây dựng NTM thì không thể tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công.
Ông Trần Đình Tuấn Chủ tịch Hội Nông dân xã Thủy Xuân Tiên