Hiệu quả từ chuyển đổi mô hình hợp tác xã

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp là đơn vị tổ chức sản xuất quan trọng ở nông thôn. Tuy nhiên, thời gian qua, rất nhiều HTX vẫn loay hoay trong định hướng hoạt động.

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX 2012 đang mang lại hiệu quả rõ rệt.

Cách làm mới

Tri Trung là một xã vùng chiêm trũng của huyện Phú Xuyên. Người dân nơi đây đã phát triển kinh tế trang trại từ rất sớm nhưng quy mô còn nhỏ lẻ và thiếu liên kết. Năm 2014, được sự giúp đỡ của Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) Hà Nội và Liên minh HTX TP, HTX Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản Tri Phú (HTX Tri Phú) đã ra đời. HTX có 22 thành viên, chủ yếu là các hộ làm kinh tế trang trại với số vốn điều lệ khoảng 1 tỷ đồng do xã viên đóng góp. Ngoài sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, HTX Tri Phú còn mở rộng hoạt động dịch vụ khác như ký hợp đồng trực tiếp với các công ty cung cấp giống và thức ăn chăn nuôi tới từng hộ xã viên.

 
Hợp tác xã hoa và cây cảnh Thụy Hương, huyện Chương Mỹ hoạt động khá hiệu quả. Ảnh: Ánh Ngọc
Hợp tác xã hoa và cây cảnh Thụy Hương, huyện Chương Mỹ hoạt động khá hiệu quả. Ảnh: Ánh Ngọc
Về cơ cấu tổ chức, HTX Tri Phú chia làm 5 tổ sản xuất theo khu vực. Các tổ, các bộ phận hoạt động độc lập, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở kinh tế tập trung theo chỉ đạo của Hội đồng quản trị (HĐQT). Ông Vũ Xuân Trọng - Chủ tịch HĐQT HTX Tri Phú cho biết, dù mới chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012 một thời gian ngắn, song đã bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt. Theo đó, kết quả sản xuất năm 2014 của các hộ trong HTX đã tăng 30% so với năm 2013. Nhờ đó, bà con rất phấn khởi và yên tâm sản xuất.

Theo Chi cục PTNT Hà Nội, việc chuyển đổi mô hình HTX là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Do đó, trong năm 2014, Chi cục đã phối hợp hướng dẫn 15 HTX thuộc 5 huyện Ba Vì, Quốc Oai, Phú Xuyên, Đông Anh, Sóc Sơn xây dựng điều lệ, phương án sản xuất và đăng ký kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí thành lập mới cho các HTX. Kết quả, trong năm 2014 đã thu hút trên 500 hộ nông dân tham gia vào HTX, đóng góp trên 16 tỷ đồng vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, bước đầu tạo việc làm, tăng thu nhập cho xã viên.

Chưa hết khó khăn

Có thể nói, việc chuyển đổi từ mô hình HTX nông nghiệp đơn thuần sang HTX kiểu mới có HĐQT và các tổ, đội chuyên ngành đã mang đến làn gió mới cho hoạt động kinh tế tập thể. Theo đó, trách nhiệm của mỗi xã viên được nâng cao, hoạt động trên tinh thần tập trung, dân chủ nhưng có sự gắn kết chặt chẽ trong sản xuất theo chuỗi và được hưởng quyền lợi rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các HTX theo Luật HTX 2012 ở nhiều địa phương vẫn còn chậm. Nhiều HTX gặp khó khăn vì thiếu vốn sản xuất, hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống điện chưa đảm bảo.

Trước những vấn đề này, ông Lê Thiết Cương - Chi Cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội cho biết, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, nhất là HTX nông nghiệp là tiêu chí số 13 trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Bản chất của HTX là tổ chức giúp cho người nông dân sản xuất đạt chuẩn từ đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế. Do đó, cần quan tâm đến nội dung hoạt động của các HTX, vừa đảm bảo đúng luật vừa phải hoạt động hiệu quả, có sự liên kết và chia sẻ lợi ích với người lao động.

Theo kế hoạch, năm 2015, Chi cục PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục hướng dẫn các HTX tổ chức hoạt động theo Luật HTX 2012 và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý HTX. Đồng thời, xây dựng và trình UBND TP phê duyệt đề án "Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn TP đến năm 2020" với các chính sách hỗ trợ ưu đãi...
          
Muốn sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, người nông dân phải liên kết bền chặt trong HTX. Hiện nay, chúng tôi đang tham mưu cho Bộ NN&PTNT ban hành riêng một chương trình phát triển các HTX.
Ông Lê Đức Thịnh

Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT  (Bộ NN&PTNT)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần