Đầu năm 2020, trên diện tích 0,5ha đất sau dồn điền đổi thửa của gia đình, anh Nguyễn Quốc Ân, thôn Phú Thịnh, xã Phú Cường, huyện Ba Vì đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình VAC kết hợp giữa chăn nuôi bò BBB với đào ao thả cá. Với nguồn vốn sẵn có, gia đình anh Ân đã vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Ba Vì để xây dựng mô hình với tổng số tiền đầu tư trên 1 tỷ đồng. Không chỉ nuôi bò, tận dụng diện tích ruộng trũng, anh Ân đào ao, thả cá, chủ yếu là cá trắm cỏ, cá mè, cá trôi, cá chép. Hiện tại, mô hình VAC của gia đình anh Ân đang duy trì 6 con bò BBB và ao cá giống đã cho thu hoạch, ước tính thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Khi quyết định mở xưởng xẻ gỗ, vợ chồng chị Phùng Thị Phương Lan, xóm Trại, thôn Vân Hội, xã Phong Vân, huyện Ba Vì gặp rất nhiều khó khăn về vốn, địa điểm sản xuất… Thông qua chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Ba Vì, gia đình chị Lan đã vay 50 triệu đồng để xây dựng một xưởng gỗ nhỏ với quy mô 200 triệu đồng. Hiện tại, xưởng mộc của vợ chồng chị Lan chuyên nhận làm xẻ gỗ theo yêu cầu của khách hàng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, xưởng mộc của gia đình chị Lan còn tạo việc làm ổn định cho 7 - 8 lao động với mức lương bình quân 7 - 9 triệu đồng/người/tháng.Phó Giám đốc NHCSXH huyện Ba Vì Phùng Đăng Toàn cho biết, đến nay, Ngân hàng có 14 chương trình tín dụng chính sách xã hội, trong đó ưu tiên khách hàng là người lao động vay vốn giải quyết việc làm để phát triển kinh tế, khôi phục sản xuất do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Để nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm phát huy hiệu quả, NHCSXH huyện Ba Vì đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác chủ động trong công tác điều hành, quản lý, phân bổ vốn, trong đó, ưu tiên đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động. Sau khi giải ngân vốn, đơn vị có sự phối hợp chặt chẽ với mạng lưới các Tổ tiết kiệm và vay vốn, thường xuyên giám sát các thành viên để bảo đảm nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.