Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ cao trong SX nông nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù ngành nông nghiệp TP vẫn còn đang bàn thảo để cho ra đời một chính sách ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp, song huyện Phúc Thọ đã mạnh dạn đi trước một bước.

Theo đó, ngoài tổ chức cho cán bộ và nông dân đi học hỏi kỹ thuật, huyện còn hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng hạ tầng cho các mô hình ứng dụng nhà màng, nhà lưới trong nông nghiệp trên địa bàn.

Gần một năm nay, mô hình trồng rau trái vụ trong nhà màng, nhà lưới của ông Vũ Văn Sáu (ở cụm 2, xã Vân Phúc) đã trở thành điểm tham quan, học tập của rất nhiều nông dân. Năm 2014, ông Sáu là một trong những nông dân đầu tiên được huyện Phúc Thọ tổ chức đi tham quan, học hỏi mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC trong nhà lưới theo công nghệ Israel tại Đà Lạt (Lâm Đồng). Khi trở về, ông đã mạnh dạn đầu tư hơn 400 triệu đồng xây dựng nhà màng, nhà lưới với khung thép kiên cố trên khu ruộng hơn 1.000m2 của gia đình để trồng rau trái vụ. Ông được huyện Phúc Thọ hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng hạ tầng. Đặc biệt, ông còn lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt và giàn phun sương làm mát cây. Ông Sáu cho biết, trồng rau trong nhà màng, nhà lưới kiểm soát được nhiệt độ, giảm sâu bệnh nên năng suất, chất lượng cao. Tính trung bình mỗi sào rau cho thu lãi 8 – 12 triệu đồng.
Trồng rau trái vụ trong nhà màng, nhà lưới tại xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ. 	 Ảnh: Quang Thiện
 Trồng rau trái vụ trong nhà màng, nhà lưới tại xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Quang Thiện
Nếu như ông Sáu thành công với mô hình trồng rau trái vụ trong nhà màng, nhà lưới thì anh Kiều Bình Thanh (cụm 1, xã Tích Giang) lại chọn hoa là cây trồng chủ lực. Nhận thấy nhu cầu hoa cao cấp và hoa trái vụ của thị trường Hà Nội lớn, qua học hỏi kinh nghiệm tại Đà Lạt và được sự hỗ trợ của UBND huyện Phúc Thọ, anh Thanh đầu tư 400 triệu đồng làm nhà màng, nhà lưới với đầy đủ hệ thống cách nhiệt và dẫn nước tự động để trồng hoa. Nhờ đó, thay vì chỉ trồng được hoa loa kèn vào tháng 4 như thông thường, anh còn trồng được cả trong điều kiện lạnh giá của tháng 12, cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng/sào/lứa. Chỉ sau gần một năm canh tác, anh Thanh đã thu lãi gần 200 triệu đồng từ hoa cúc và loa kèn trái vụ.

Mô hình của ông Sáu và anh Thanh là 2 trong số 3 mô hình đầu tiên ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp được triển khai nhờ sự hỗ trợ của UBND huyện Phúc Thọ. Từ thành công của những mô hình điểm, hiện nay, tại một số xã của huyện Phúc Thọ, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư nhà màng để trồng rau, hoa nhằm nâng cao hiệu quả canh tác.

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú chia sẻ, với địa bàn thuần nông, biện pháp hiệu quả nhất để nâng cao thu nhập cho người nông dân chính là phát triển sản xuất. Trăn trở tìm giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lãnh đạo huyện đã mạnh dạn tổ chức đoàn cán bộ, nông dân vào Đà Lạt để học hỏi mô hình sản xuất CNC. Đồng thời, UBND huyện cũng xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho chương trình này như hỗ trợ về vốn, giống, xây dựng hạ tầng… Đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp trong nhà màng, nhà lưới toàn huyện đạt khoảng gần 1ha, cho hiệu quả cao gấp nhiều lần so với trước đây.
Giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Phúc Thọ hiện đạt 250 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đầu người đạt 25,2 triệu đồng/người/năm.

Năm 2015, một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm được huyện Phúc Thọ đề ra là tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, việc nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng kỹ thuật nhà màng, nhà lưới kết hợp với hệ thống tưới tiết kiệm là bước đi cần thiết để tạo đột phá cho nông nghiệp hàng hóa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Hơn nữa, trong bối cảnh TP đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo chính sách hỗ trợ ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp Thủ đô để trình HĐND TP thông qua trong thời gian tới, những mô hình điểm của huyện Phúc Thọ sẽ là bước đà thuận lợi cho triển khai chính sách sau này.

Ông Hoàng Mạnh Phú kiến nghị TP có cơ chế hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sau dồn điền đổi thửa và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, chọn Phúc Thọ là địa phương làm điểm về mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, có thể trong trồng trọt hoặc chăn nuôi bò sữa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần