Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ số trong cải cách hành chính
Kinhtedothi - Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ, Hà Nội đã và đang khẳng định vai trò tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, đặc biệt là cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.

TP Hà Nội phê duyệt 1.492 TTHC đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Bước tiến quan trọng
Tính đến nay, TP Hà Nội đã phê duyệt 1.492 thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Trong số này, có 547 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 945 dịch vụ công trực tuyến một phần, giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.
Con số này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công cuộc cải cách hành chính (CCHC), hướng tới xây dựng một chính quyền kiến tạo, phục vụ. Đồng thời, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của TP trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử.
Việc số hóa TTHC không chỉ là một xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, người dân và doanh nghiệp ngày càng đòi hỏi các dịch vụ công phải được cung cấp một cách nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch và hiệu quả. Số hóa TTHC giúp loại bỏ những rào cản về địa lý, thời gian, giảm thiểu chi phí đi lại, chờ đợi, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, phòng ngừa tiêu cực.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc này, Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Đặc biệt, TP Hà Nội đã có bước tiến mang tính đột phá với sự ra đời của Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội một cấp, trực thuộc UBND cấp tỉnh, trở thành địa phương đi đầu trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thí điểm mô hình này. Đến nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP đã được thành lập và bước sang tháng hoạt động thứ 6 theo đúng tôn chỉ "Hành chính thông minh - Tận tâm phục vụ".
Ngoài ra, TP còn triển khai rà soát, chuẩn hóa quy trình, thủ tục, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Kết quả là, số lượng hồ sơ trực tuyến được tiếp nhận và xử lý ngày càng tăng, đặc biệt tỷ lệ người dân hài lòng với dịch vụ công trực tuyến ngày càng cao.
Theo báo cáo mới đây, Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc TP Hà Nội trong năm 2024 đã đạt kết quả rất tích cực. Chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt 86,5%, tăng 2,93% so với năm 2023, tiếp tục cao hơn so với Chỉ số Hài lòng chung của cả nước. Hà Nội xếp thứ 11/63 tỉnh, TP, tăng 10 bậc so với năm 2023 và đứng thứ 2 trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội ra đời thực hiện theo đúng tôn chỉ "Hành chính thông minh - Tận tâm phục vụ".
Lợi ích đi đôi với thách thức
Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Cụ thể, đối với người dân và doanh nghiệp dịch vụ công trực tuyến giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, chờ đợi, có thể thực hiện TTHC mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần có kết nối internet.
Ngay từ khi dịch vụ công trực tuyến của Hà Nội triển khai, anh Nguyễn Trường Sơn (38 tuổi, quận Thanh Xuân) đã tìm hiểu về các bộ thủ tục được công khai trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và nộp hồ sơ một cách thuận tiện qua mạng. Điều khiến anh hài lòng hơn cả là mặc dù ở nhà, cũng có thể biết được hồ sơ của mình đang giải quyết ở khâu nào.
Dịch vụ công trực tuyến cũng giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí tuân thủ, nâng cao hiệu quả hoạt động, có thể tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Đồng thời, môi trường kinh doanh minh bạch, công khai cũng giúp doanh nghiệp an tâm đầu tư, phát triển. Riêng với cơ quan nhà nước, dịch vụ công trực tuyến giúp giảm tải áp lực cho cán bộ, công chức, nâng cao hiệu quả xử lý hồ sơ, giảm thiểu sai sót, tiêu cực.
Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội Cù Ngọc Trang cho biết, với 12 chi nhánh gồm 30 điểm tiếp nhận dịch vụ công trên địa bàn, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP đã rút ngắn thời gian xử lý các TTHC cũng như tái cấu trúc lại chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.
"Để thích ứng với tình hình thực tiễn, Trung tâm đã kiến nghị TP mô hình hoạt động của 30 điểm tiếp nhận hồ sơ, trong đó, xây dựng các trạm hỗ trợ công dân số tại các phường, xã; trạm hỗ trợ lưu động/online như hỗ trợ số lưu động, ki-ot số, trợ lý ảo..." - ông Cù Ngọc Trang nhấn mạnh.
Bên cạnh kết quả tích cực, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở Hà Nội vẫn còn một số thách thức cần vượt qua. Mặc dù đã được đầu tư nâng cấp, hạ tầng công nghệ thông tin ở một số địa phương vẫn còn hạn chế như chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân.
Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin còn thiếu, chưa theo kịp yêu cầu vận hành, bảo trì hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, một bộ phận người dân, đặc biệt là người lớn tuổi, còn ngại sử dụng dịch vụ công trực tuyến do thiếu kỹ năng, kiến thức về công nghệ thông tin…
Để vượt qua những thách thức này, Hà Nội cần tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ như nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, và tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến…
Với những kết quả đã đạt được và những giải pháp đang được triển khai, Hà Nội đang vững bước trên con đường xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng cao cho người dân và doanh nghiệp. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Trung tâm Phục vụ hành chính công: Hà Nội thí điểm thành công, là tiền đề nhân rộng ra cả nước
Kinhtedothi - Chiều 8/4, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã làm việc với Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội.

Trao tặng nhiều sản phẩm công nghệ ứng dụng cho Trung tâm Phục vụ hành chính công
Kinhtedothi - Chiều 24/4, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội tổ chức "Lễ tiếp nhận các sản phẩm công nghệ ứng dụng Chuyển đổi số". Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã trao tặng các sản phẩm ứng dụng, thiết bị công nghệ cho Trung tâm.
Phấn đấu đến năm 2030, ít nhất 80% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Kinhtedothi - Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của người dân và doanh nghiệp từ 80% trở lên; tỷ lệ cung cấp DVCTT toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính (TTHC) có đủ điều kiện đạt 90%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 100%...