Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hình mẫu ưu việt cho các dự án hạ tầng

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô do Hà Nội chủ trì phối hợp với các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh đã được triển khai một cách thần tốc, toàn diện, hiệu quả rõ rệt trên từng bước đi.

Quá trình triển khai dự án có thể xem như một hình mẫu mới ưu việt cho công tác đầu tư hạ tầng sau này của Vùng Thủ đô cũng như trên cả nước.

Bài 1:
Thắp sáng giấc mơ 10 năm ấp ủ

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được đánh giá là một trong những tuyến đường cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của Hà Nội cũng như Vùng Thủ đô, là bàn đạp tiếp cận đến các khu vực kinh tế trọng điểm, cửa ngõ hàng hải, hàng không xung quanh, nhằm vươn tầm ra châu lục và thế giới. Vậy nhưng cũng phải sau 10 năm ấp ủ, mạch máu chiến lược này mới từ quy hoạch bước ra thực tế.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cùng đoàn khảo sát thực địa tại huyện Thường Tín. Ảnh: Viết Thành
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cùng đoàn khảo sát thực địa tại huyện Thường Tín. Ảnh: Viết Thành

Động mạch chủ của Vùng Thủ đô

Dự án đường Vành đai 4, kết nối vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011 với chiều dài toàn tuyến khoảng 98km, đi qua 14 huyện của 3 tỉnh: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Ngoài ra có hai tỉnh khác kết nối gần nhất, thuận tiện nhất với Vành đai 4 là Bắc Giang, theo hướng cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn và Vĩnh Phúc theo hướng cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Năm 2022, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do TP Hà Nội lập đã xác định lại chiều dài toàn tuyến là 112,8km.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo chia sẻ: “Trong bối cảnh hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn của Hà Nội hiện nay, giải pháp hiệu quả nhất là đầu tư xây dựng Vành đai 4. Đây có thể coi là xương sống của hệ thống giao thông Vùng Thủ đô”.

Thực vậy, theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có bảy tuyến đường vành đai gồm: 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5 kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận. Trong đó, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có thể coi là “động mạch chủ”, kết nối với tất cả các tuyến còn lại, là “vành đai kết nối mọi vành đai”, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô.

Bên cạnh đó, Vành đai 4 còn giải quyết nhu cầu giao thông trực tiếp cho khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh của Hà Nội, phân giải mạnh mẽ áp lực cho Vành đai 3 đã quá tải trầm trọng (gấp 8 lần thiết kế).

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, tuyến Vành đai 3 đang đi xuyên tâm Hà Nội, khi gặp phải những tình huống đặc thù như giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh Covid-19 rất dễ lâm vào bế tắc, biến Hà Nội thành điểm nghẽn thông thương của cả vùng. “Với Vành đai 4, những tình huống bất khả kháng đó sẽ không còn nữa. Mặt khác, áp lực giao thông trong lõi đô thị Hà Nội cũng sẽ được giảm thiểu” - ông Phan Trường Thành nói.

Không chỉ tác động trực tiếp đến kịch bản giao thông của Thủ đô, Vành đai 4 còn tạo điều kiện kết nối Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với các tỉnh, TP trong Vùng Thủ đô. Chuỗi đô thị trong khu vực giữa Vành đai 3 và Vành đai 4, bao gồm cả các đô thị vệ tinh của Hà Nội cùng một số đô thị chức năng theo quy hoạch Vùng Thủ đô cũng sẽ có một tuyến đường kết nối chặt chẽ, thuận tiện, là động lực cho sự phát triển bền vững.

Bởi vậy, Vành đai 4 là dự án chiến lược quan trọng bậc nhất, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của Vùng Thủ đô. Triển khai đầu tư xây dựng Vành đai 4 cũng chính là hiện thực hóa giấc mơ đã được lãnh đạo, Nhân dân, DN… các tỉnh Vùng Thủ đô ấp ủ trong suốt hơn 10 năm qua.

Phối cảnh dự án đường Vành đai 4.
Phối cảnh dự án đường Vành đai 4.

Quyết tâm mạnh mẽ

Tháng 5/2021, công tác triển khai đầu tư, xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với biết bao khó khăn, bộn bề mới thực sự được khởi động. Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội chia sẻ: “Thời điểm đó, có nhiều ý kiến ngờ vực, cho rằng Hà Nội và các địa phương, bộ, ngành liên quan khó có thể hoàn thiện khâu chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) để đạt mục tiêu khởi công dự án Vành đai 4 vào tháng 6/2023”.

Thế nhưng, thực tế đã chứng minh, bằng sự nỗ lực liên tục không ngừng nghỉ của Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành T.Ư, bằng quyết tâm chính trị sắt đá, mạnh mẽ của Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân TP Hà Nội cũng như các tỉnh khác, dự án sắp cán mốc quan trọng đầu tiên với những kết quả vô cùng ngoạn mục.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo chia sẻ, để chuẩn bị tốt cho dự án, điều kiện tiên quyết đầu tiên là Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi phải được Quốc hội thông qua. Thời gian gấp gáp, khối lượng công việc lại rất lớn đòi hỏi Hà Nội với vai trò chủ trì phải tổ chức thực hiện các khâu chuẩn bị đầu tư thật nhanh chóng mà vẫn hiệu quả, chính xác.

Sau khi họp với các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà nội đã thông qua Nghị Quyết số 07-NQ/TU ngày 20/9/2021; HĐND TP khóa XVI cũng đã thống nhất thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Tiếp đó, UBND TP Hà Nội đã có Tờ trình, Chính phủ đã lập Hội đồng thẩm định Nhà nước tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Trên cơ sở hồ sơ đã hoàn thiện theo thông báo thẩm định của hội đồng thẩm định Nhà nước, Chính phủ đã có Tờ trình gửi Quốc hội xem xét. Kết quả nghị quyết thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vào kỳ họp cuối năm 2021.

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tuyến Vành đai 4 được thiết kế với cả đường trên cao và dưới thấp. Do quy hoạch trước đây chỉ là đường đi thấp nên Bộ GTVT đã phối hợp với Hà Nội cũng như các địa phương liên quan, gấp rút nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với thiết kế kỹ thuật của dự án.

Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đã được Thành lập với Bí thư Thành ủy Hà Nội làm Trưởng ban. Công tác GPMB được giao cho các quận, huyện triển khai với một phong trào thi đua sâu rộng. Dự tính ban đầu, đến thời điểm khởi công phải bàn giao 70% mặt bằng sạch cho Dự án, nhưng thực tế Hà Nội đã bàn giao được trên 80% mặt bằng.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội nói: “Kết quả công tác GPMB đã cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Đảng bộ, chính quyền TP, sự nỗ lực của từng thôn xóm, xã phường tập trung mọi nguồn lực cho Dự án. Đó cũng cho thấy công tác tuyên truyền, dân vận của các tổ chức Đảng, đoàn thể tại Hà Nội có sức mạnh vô cùng to lớn”.

Dự kiến ngày 25/6 tới, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ được khởi công đúng theo tiến độ đề ra. Giấc mơ 10 năm ấp ủ của Vùng Thủ đô sẽ chính thức được hiện thực hóa. Khó khăn, thách thức phía trước còn nhiều nhưng quá trình chuẩn bị cho Dự án đã trở thành một bài học quý giá với nhiều kinh nghiệm thực tiễn cho Hà Nội cũng như cả nước trong công tác đầu tư hạ tầng sau này.

 

Tuyến đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô sẽ đi qua 14 huyện của 3 tỉnh, TP: Hà Nội (56,5km), Hưng Yên (20,3km) và Bắc Ninh (21,2km). Điểm đầu tại Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội); điểm cuối trên đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Tổng chiều dài toàn tuyến là 111,2km, trong đó đoạn đi qua TP Hà Nội dài 58,2km (đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông).