Hộ chiếu vaccine mở ra nhiều hy vọng

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù còn tranh luận, lo ngại nhưng nhiều quốc gia đã, đang và chuẩn bị phát hành "hộ chiếu vaccine ". Chính phủ các nước muốn áp dụng loại giấy thông hành này để phá băng ngành du lịch, mở cửa nền kinh tế. Nhiều chuyên gia y tế cộng đồng cũng hy vọng thông qua tấm hộ chiếu này sẽ hỗ trợ đắc lực hơn việc kiểm soát dịch bệnh lây lan.

Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên phát hành hộ chiếu vaccine. Chứng chỉ kỹ thuật số, hiển thị tình trạng tiêm chủng của người dùng và kết quả xét nghiệm Covid-19, có sẵn cho công dân Trung Quốc thông qua một chương trình trên nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc WeChat.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, chứng chỉ đang được triển khai "để giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới và tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại xuyên biên giới". Tuy nhiên, loại hộ chiếu vaccine này hiện chỉ được cấp cho công dân Trung Quốc và cũng chưa phải là yêu cầu bắt buộc.
 Vaccine phòng Covid- 19 Astra Zeneca. Ảnh: Chiến Công
Trước đó, một quốc gia khác ở châu Á cũng công bố kế hoạch cấp hộ chiếu vaccine là Thái Lan. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul cho biết nước này sẽ cấp giấy chứng nhận cho những người dân đã hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19 để họ có thể ra nước ngoài nếu muốn. Thái Lan cũng có kế hoạch giảm thời gian cách ly bắt buộc đối với người đã tiêm chủng từ 14 ngày xuống 7 ngày.

Trong thời gian qua, “hộ chiếu vaccine" hay giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19 đã trở thành đề tài được thảo luận ở nhiều nơi trên thế giới, khi nhiều quốc gia muốn mở cửa với thế giới sau thời gian dài áp dụng các biện pháp hạn chế quốc tế ngăn đại dịch.

Hiệp hội Du lịch Hàng không Quốc tế (IATA) với thành viên gồm 290 hãng hàng không cũng dự kiến ra mắt một ứng dụng du lịch, trong đó cho phép cơ quan nhập cảnh và hãng hàng không thu thập và chia sẻ chứng nhận vaccine cũng như kết quả xét nghiệm Covid-19.

Singapore Airlines sẽ là hãng bay đầu tiên trên thế giới đưa vào dùng ứng dụng này trên các chuyến bay từ Singapore tới London (Anh) từ ngày 15/3. Trong vòng 2 tháng tới, sẽ có khoảng 30 hãng hàng không thí điểm ứng dụng này.

Còn tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp về vấn đề mở cửa đón du khách quốc tế. Theo đó, nên mở cửa cho du khách có chứng chỉ tiêm vaccine Covid-19 để nâng cao vị thế du lịch.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch Covid-19 mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, để quản lý thông suốt và đồng bộ chiến dịch tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ quản lý dữ liệu từng người tiêm trên hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân. Việt Nam hiện đã hoàn tất hơn 97 triệu hồ sơ. Bộ Y tế yêu cầu từng cơ sở y tế, cơ sở tiêm chủng phải tải phần mềm do Bộ Y tế thiết kế để phục vụ tiêm chủng tốt nhất. "Hệ thống tiêm chủng của Việt Nam tới đây sẽ liên thông với quốc tế, sau này là hộ chiếu vaccine, quản lý toàn bộ bằng QR code" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Như vậy, xu hướng tích cực trên thế giới, các nỗ lực ngoại giao, các vấn đề pháp lý và công nghệ cho hộ chiếu vaccine đã được xem xét giải quyết để kỳ vọng sự phục hồi tăng trưởng của ngành du lịch.

Việc các quốc gia nghiên cứu thành công, tiêm ngừa Covid-19 và áp dụng hộ chiếu vaccine được kỳ vọng trở thành giấy thông hành mở cánh cửa du lịch nước ta, vừa ứng phó, thích nghi vừa phục hồi tăng trưởng và tìm kiếm dư địa phát triển mới.

Ngày 10/3, bác sĩ Calvin Q Trịnh - người Việt Nam tiêm đủ 2 liều vaccine tại Mỹ về nước tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh. Tuy có "hộ chiếu" vaccine, bác sĩ này vẫn phải cách ly theo quy định của Việt Nam do Việt Nam chưa có cơ chế riêng cho công dân có "hộ chiếu" vaccine.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần