Tiềm năng trong phát triển kinh tế du lịch
Ấn tượng về Hà Nội để lại cho du khách không chỉ là “ba sáu phố phường”, xe máy, chùa chiền và kiến trúc thuộc địa… mà còn là cây xanh và mặt nước. Martin Rama, một chuyên gia Ngân hàng Thế giới từng sống 7 năm ở Việt Nam, mới đây đã viết những dòng đầy cảm xúc: “Với những hàng cây chạy quanh hồ, trên những lối nhỏ, hoặc đôi khi là những rặng liễu yên bình thả bóng, hồ nước khiến bức tranh phong cảnh của các khu dân cư quanh hồ thêm duyên dáng… Người già say sưa tập thể dục thái cực quyền mỗi sáng sớm khi sương vừa tan. Chiều xuống, hồ nước là nơi mời gọi người ta dừng chân ngồi uống chén chà, thanh thản, tạm xa cái ồn áo náo nhiệt của TP. Và đối với rất nhiều người dân Hà Nội, bờ hồ cũng là nơi họ thì thầm với nhau những lời yêu đầu tiên, trong làn gió thơm mùi hoa sữa”. Qua lời tâm sự này ta cảm nhận được hơi thở của hồ Hà Nội thật gần gũi.
Đến nay Hà Nội đã xử lý được 90 hồ nội thành và 50 hồ ngoại thành với kết quả được người dân đánh giá cao, chất lượng nước đạt quy chuẩn hiện hành, nước hồ trong xanh, không còn mùi khó chịu, không còn trong tình trạng ô nhiễm hữu cơ, hạn chế tình trạng phú dưỡng, công nghệ xử lý không ảnh hưởng hệ sinh thái thủy sinh của hồ. |
Hệ thống các hồ, ao, đầm của Hà Nội (gọi chung là hồ Hà Nội) là một phần rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP với các chức năng như điều hoà nước mưa, giảm thiểu úng ngập; cảnh quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử; điều hoà vi khí hậu trong khu vực; là nơi các tổ chức các sự kiện vui chơi giải trí và còn đóng vai trò quan trọng trong lưu giữ nguồn gen và bảo vệ đa dạng sinh học. Để giảm thiểu ngập úng và cải tạo cảnh quan môi trường, trong các năm qua, Hà Nội đã tập trung thực hiện các dự án cải tạo hệ thống thoát nước trong đó có hạng mục cải tạo các hồ điều hoà: Giảng Võ, Thanh Nhàn, Thành Công, Thuyền Quang, cụm hồ Yên Sở, Linh Đàm, Định Công, Ngọc Khánh, Đống Đa… được cải tạo trong Dự án thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội.
Với vai trò là cảnh quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nổi bật lên trong số các hồ Hà Nội là Hoàn Kiếm được coi là trái tim của Hà Nội gắn với truyền thuyết Vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho Rùa Thần. Hồ còn có tên là hồ Lục Thủy vì có màu nước xanh quanh năm hay là hồ Thủy Quân vì đây là nơi Triều đình dùng để duyệt thủy binh. Du khách đến Hà Nội không thể không ngắm tháp Rùa, cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn – những công trình kiến trúc tuyệt tác in hằn dấu vết thời gian đầy hoài cổ, và nếu du khách không đi dạo xung quanh hồ để cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên, sự tinh tế của người Hà Nội và sự bình yên của cuộc sống có thể coi như chưa đến Thủ đô.
Đó là Hồ Tây, là thắng cảnh thiên nhiên đặc biệt quý giá, gắn với nhiều di sản lịch sử, văn hóa có giá trị của Thủ đô và đất nước. Xung quanh Hồ Tây có các đình, đền, chùa, miếu, phủ được xây dựng để thờ Phật, thờ Mẫu, thờ thờ Ngọc Hoàng, thờ Thánh, thờ Thần linh thiêng của người Việt. Văn hóa tâm linh Hồ Tây, không gian Hồ Tây, truyền thuyết Hồ Tây là nơi gặp gỡ của tình yêu, lòng biết ơn và trung thành của con người. Trong Quy hoạch chung Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050, Hồ Tây ở vào vị trí trung tâm của khu đô thị trung tâm, vì vậy có vai trò đặc biệt quan trọng trong Chiến lược phát triển đô thị Hà Nội.
Đối với vai trò phát triển kinh tế, hồ Hà Nội là một nguồn tài nguyên được khai thác trực tiếp để phát triển kinh tế thông qua chức năng kinh doanh các dịch vụ vui chơi giải trí, tổ chức sự kiện trong ngày Lễ, Tết của dân tộc như trên hồ Bảy Mẫu, Bách Thảo, Thành Công, Thủ Lệ, Hồ Tây…Trên địa bàn ngoại thành Hà Nội, tại các ao đình, ao làng, ao chùa… là nơi tổ chức các hoạt động múa rối vào các đợt lễ hội, là nơi gắn liền với các hoạt động duy trì văn hóa, tín ngưỡng của người dân.
Đối với chức năng điều hòa vi khí hậu, có thể nói hồ là những lá phổi của Thủ đô, hồ đã đem lại một môi trường ôn hoà, xanh, sạch đẹp dễ chịu cho người dân, chính vì lý do đó nên xung quanh các hồ đã được cải tạo, có đường dạo là nơi người dân sinh hoạt, tập thể dục, vui chơi giải trí, tạo nên các mối quan hệ cộng đồng. Đối với chức năng lưu giữ nguồn gen và bảo vệ đa dạng sinh học chủ yếu tập trung ở Hồ Tây.
Hãy chung tay bảo vệ hồ Hà Nội
Hệ thống hồ có vai trò quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người đã gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu và cộng đồng môi trường (CECR), chỉ có 2% trong số khoảng 120 hồ, ao của Hà Nội đạt yêu cầu chất lượng ở các chỉ tiêu nghiên cứu. Ô nhiễm nguồn nước đã và đang gây tác hại nghiêm trọng lên hệ sinh thái hồ, phá hủy cảnh quan môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân trong khu vực. Do vậy việc xử lý nước hồ đã và đang là vấn đề cấp bách tại Hà Nội.
Công tác xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ Hà Nội đã được thực hiện từ năm 2011, tuy nhiên số hồ được tiến hành xử lý ô nhiễm chỉ là 8 hồ vì các bước thực hiện phức tạp, sử dụng nhiều loại chế phẩm, khó áp dụng cho nhiều hồ. Đến cuối năm 2016, nhằm tìm ra hướng giải quyết có tính chất bền vững có thể nhân rộng xử lý được 100% các hồ Nội thành Hà Nội để cải thiện chất lượng nước hồ, bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Sau quá trình trao đổi với nhiều đối tác và các công ty uy tín trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ trong và ngoài nước, TP đã tìm ra công nghệ xử lý hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C và giao về một đầu mối thực hiện. So với các công nghệ xử lý trước đây có nhiều ưu điểm hơn như hiệu quả nhanh, các bước thực hiện đơn giản, chỉ sử dụng một loại chế phẩm, áp dụng được cho nhiều hồ. Việc xử lý duy trì hồ đã giúp chất lượng nước hồ hiện ổn định và bền vững. Đồng thời để tạo cảnh quan đẹp trên các hồ, góp phần duy trì chất lượng nước hồ, công tác lắp đặt bè thuỷ sinh, máy sục khí và nạo vét bùn đáy hồ cũng được thực hiện đồng bộ.
Với rất nhiều lợi ích mà hồ Hà Nội mang lại, để Hà Nội trở thành một điểm du lịch với đặc trưng “Thành phố của sông hồ”, đồng thời cải thiện điều kiện sống của người dân Hà Nội, phát huy các chức năng vốn có của hồ nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội, việc đầu tư cải tạo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quang hồ cần tiếp tục được thực hiện, bên cạnh đó đẩy mạnh công tác xử lý ô nhiễm môi trường các hồ trên địa bàn TP Hà Nội để duy trì chất lượng nước hồ, đặc biệt là hồ trên địa bàn các huyện/thị xã khi còn nhiều hồ ô nhiễm chưa được xử lý. Công tác tổ chức tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng của mỗi người dân về công tác bảo vệ môi trường cần được chính quyền địa phương chú trọng. Mỗi người Hà Nội chúng ta chắc hẳn ai cũng mong muốn góp phần mang lại một Hà Nội xanh, sạch, đẹp xứng đáng là trái tim của cả nước, vậy hãy vì điều này mà cùng nhau bảo vệ môi trường sống nói chung và môi trường hồ nói riêng bằng hành động cụ thể “Nói không với xả rác, phế thải xuống hồ”.