Ngay sau khi có phản ánh của báo chí, truyền thông cũng như mạng xã hội về việc nhiều du khách khi đi du lịch, trải nghiệm sông Nho Quế, tỉnh Hà Giang mặc trang phục Tây Tạng, Mông Cổ gây hiểu nhầm về định danh địa điểm du lịch với khách nước ngoài, Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang đã vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh.
Đồng thời Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang chỉ đạo các địa phương tuyên truyền tới những hộ kinh doanh dịch vụ cho thuê trang phục đề nghị không cho thuê trang phục cổ trang, trang phục nước khác mà tập trung vào trang phục các dân tộc của tỉnh Hà Giang. Nếu cho thuê trang phục dân tộc cách tân thì vẫn phải bảo đảm phù hợp với bản sắc truyền thống.
Chiều 28/3, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang Triệu Thị Tình cho biết, bà cũng vừa có chuyến công tác, khảo sát thực tế hoạt động du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch trên khu vực sông Nho Quế.
“Qua kiểm tra cho thấy, sau khi được ngành chức năng cũng như chính quyền huyện Mèo Vạc tuyên truyền, vận động, các hộ kinh doanh cho thuê trang phục đều đồng thuận, vui vẻ hưởng ứng chủ trương của tỉnh, huyện.
Trước đây, một số hộ do nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang nên chưa quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, khi được tuyên truyền, họ rất hưởng ứng chủ trương của địa phương là chỉ cho thuê trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang” – bà Triệu Thị Tình cho biết.
Được biết, các bộ trang phục nước ngoài được người dân địa phương, các tiểu thương nhập từ Trung Quốc với số lượng lớn. Phần lớn các thiết kế được may lại theo nguyên mẫu đồ truyền thống của người Mông Cổ, Tây Tạng, Thái Lan… với giá rẻ, chỉ phục vụ kinh doanh cho khách du lịch thuê chụp ảnh với mức giá khoảng 100.000 đồng/bộ.
Trong khi đó, Hà Giang là một tỉnh miền núi phía Bắc có 19 dân tộc anh em sinh sống, chủ yếu là các dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Tày, Nùng, La Chí, Giáy, Lô Lô… Mỗi dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Hà Giang đều có nét văn hoá truyền thống và bản sắc riêng độc đáo cần được bảo tồn, giữ gìn, phát huy. Tỉnh Hà Giang cũng hướng tới xây dựng, quảng bá hỉnh ảnh du lịch Hà Giang trở thành điểm đến “An toàn - Bản sắc - Hấp dẫn”.
Lãnh đạo Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang thông tin thêm, từ ngày 25 – 28/3, Đoàn đại biểu Sở Văn hóa & Du lịch tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã có chuyến thăm, khảo sát thực tế và làm việc tại tỉnh Hà Giang.
Theo đó, đoàn đại biểu Sở Văn hóa & Du lịch tỉnh Vân Nam đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh cũng như bản sắc văn hóa đặc sắc của tỉnh Hà Giang trong phát triển du lịch. Trên cơ sở đó, đề xuất trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục tăng cường giao lưu, hợp tác, khai thác các sản phẩm du lịch; kết nối những tour, tuyến du lịch phù hợp. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, tăng sức hút, khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch của hai bên.
Trước đó, như Kinh tế & Đô thị đã đưa, mới đây travel blogger nổi tiếng Khoai Lang Thang (tên thật là Đinh Võ Hoài Phương) đã chia sẻ một câu chuyện khiến nhiều người phải suy ngẫm: “Gần đây Khoai thấy nhiều bạn mặc đồ Tây Tạng, Mông Cổ khi chụp với sông Nho Quế. Bạn Khoai người nước ngoài hỏi Khoai là: "Nho Quế có phải của Việt Nam không?". Thật lòng nghe câu đó mình cũng có chút buồn thật!”.
Chia sẻ này sau đó đã dấy lên một làn sóng bình luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn mạng xã hội. Đa phần ý kiến đều bày tỏ ủng hộ quan điểm của travel blogger Khoai Lang Thang, bởi nếu mặc trang phục của nước khác chụp ảnh check-in tại các địa danh du lịch của Việt Nam sẽ dẫn đến sự hiểu nhầm của du khách quốc tế. Nhiều người cũng kêu gọi khách du lịch Việt nên gìn giữ văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc.
Thậm chí, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên, người từng diện trang phục Mông Cổ chụp hình tại sông Nho Quế trong chuyến thiện nguyện tại vùng cao Hà Giang cũng lên tiếng xin rút kinh nghiệm vì sự thiếu tinh tế của mình và hứa sẽ chú ý hơn trong những lần sau.