Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn tại buổi làm việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tình hình phát triển công nghiệp, thương mại và khu đô thị trên địa bàn huyện Đan Phượng ngày 14/4.
Mong mỏi của người dân
Báo cáo của UBND huyện Đan Phượng cho thấy, trên địa bàn hiện có 6 CCN, tổng diện tích 78,4ha, thu hút 589 dự án và 4.781 lao động, tỷ lệ lấp đầy 100%. Tuy nhiên, trên địa bàn còn nhiều hộ chưa có mặt bằng sản xuất nên phải sản xuất ngay tại gia đình gây ô nhiễm môi trường, lấn chiếm vỉa hè lòng đường, cơ đê… Điều này đã ảnh hưởng đến ATGT và hành lang bảo vệ đê, gây bức xúc trong Nhân dân.
Đây chính là lý do khiến người dân làng nghề tại các xã Liên Trung, Liên Hà, Đan Phượng kiến nghị UBND huyện mở rộng mặt bằng sản xuất tại các CCN. Cụ thể, tại xã Liên Trung có 260 hộ với nhu cầu 18ha; xã Đan Phượng có 15 DN đăng ký với nhu cầu khoảng 10ha. Ông Nguyễn Hồng Kiên - Chủ tịch UBND xã Liên Hà cho biết: Hiện, trên địa bàn xã đã có 310 hộ kiến nghị TP mở rộng diện tích sản xuất đồ gỗ dân dụng tại các CCN với diện tích 17ha.
Nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của người dân, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 9623/UBND-CT ngày 9/12/2014 cho phép triển khai thành lập, mở rộng các CCN trên địa bàn TP. Trong đó, theo quy hoạch đến năm 2020, huyện Đan Phượng tiếp tục mở rộng các CCN Liên Hà, Liên Trung, Đan Phượng. Ông Nguyễn Văn Đức – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong năm nay, huyện Đan Phượng sẽ đầu tư mở rộng mặt bằng sản xuất tại 3 CCN này. Cụ thể, tại CCN Liên Hà đã triển khai 9,6/30ha, còn lại sẽ mở rộng thêm 15ha; CCN Liên Trung đã triển khai 3,3/30ha, mở rộng thêm 15ha; CCN Đan Phượng đã triển khai 22,2/28ha, mở rộng thêm 5,8ha theo diện tích thực tế. Dự kiến, trong quý III/2015, UBND huyện Đan Phượng sẽ khởi công mở rộng diện tích sản xuất tại 3 CCN này.
Tháo gỡ khó khăn
Mặc dù UBND huyện Đan Phượng đã có nhiều cố gắng trong việc mở rộng diện tích các CCN, từ đó tạo điều kiện mặt bằng sản xuất cho các làng nghề nhưng trong quá trình xây dựng, triển khai vẫn gặp không ít khó khăn trong việc xác định tên gọi, quy mô, ranh giới giữa CCN với các khu đô thị đang được xây dựng. Cụ thể, qua rà soát, Sở QH - KT và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, 2 CCN Liên Hà, Liên Trung nằm trong phân khu đô thị GS nên khó khăn trong xác định tên gọi. Đồng thời, quy hoạch phân khu đô thị GS chưa được phê duyệt nên việc xác định quy mô và ranh giới của 2 CCN này chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến tiến độ lập quy hoạch của 2 dự án.
Để hỗ trợ huyện có thể khởi công mở rộng CCN vào quý III/2015, ông Nguyễn Tất Thắng - Bí thư Huyện ủy kiến nghị: Thời gian tới, UBND TP Hà Nội hỗ trợ huyện trong việc mở rộng CCN tại 2 xã Liên Hà, Liên Trung, sớm phê duyệt đầu tư 3 CCN Liên Hà, Liên Trung, Đan Phượng; Cho phép huyện bổ sung kế hoạch sử dụng đất của 3 CCN vào kế hoạch sử dụng đất năm 2015… “Việc mở rộng các CCN sẽ giúp các DN, làng nghề mở rộng sản xuất, đồng thời, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, cháy nổ, nhờ đó, huyện Đan Phượng đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống có thế mạnh” - ông Thắng khẳng định.
Trước những kiến nghị của huyện Đan Phượng, ông Trần Ngọc Nam - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội và các sở, ngành có chung quan điểm: UBND TP đã có quy hoạch xây dựng các CCN này, trong đó chú trọng đến việc xã hội hóa đầu tư. Vì vậy, trong quá trình mở rộng, huyện cần kêu gọi DN đầu tư cơ sở hạ tầng, qua đó hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng ngân sách. Đồng thời, cần xác định rõ những CCN này là khu công nghiệp hay CCN làng nghề, từ đó xác định quy mô khu xử lý nước thải.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã yêu cầu các sở, ngành khẩn trương nghiên cứu để xử lý ngay những vướng mắc tại 2 CCN Liên Hà, Liên Trung; Hỗ trợ huyện triển khai phát triển đồng bộ các CCN làng nghề trên địa bàn nhằm sớm khắc phục tình trạng lấn chiếm đường, đê, ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân. “Trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ UBND huyện Đan Phượng xây dựng, mở rộng các CCN” – Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn kiểm tra sản xuất của nhà máy Sơn Hà tại cụm công nghiệp thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, ngày 14/4. Ảnh: Hoài Nam
|