Kinhtedothi - Ngày 3/10, UBND quận Hoàn Kiếm đã khai trương việc mở rộng không gian đi bộ tại 6 tuyến phố thuộc khu bảo tồn cấp I, Khu phố cổ Hà Nội, hoạt động này sẽ hỗ trợ ngành du lịch thu hút du khách đến với Thủ đô. Đó là khẳng định của ông Lâm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.
Nhiều du khách sau khi tham quan tuyến phố chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân có chung cảm nhận tuyến phố này khá chật chội, hàng hóa đơn điệu. Vậy, việc mở rộng tuyến phố đi bộ sẽ khắc phục bất cập này như thế nào, thưa ông?
- Tuyến phố chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân đã thu hút một lượng lớn du khách nên du khách "sinh ra" cảm giác chật chội. Để khắc phục tình trạng này, UBND quận Hoàn Kiếm mở rộng không gian phố đi bộ tại 6 tuyến phố (Hàng Buồm - Mã Mây - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện - Đào Duy Từ). UBND quận cũng dành tối đa diện tích lòng đường cho khách đi dạo kết hợp với dừng chân thư giãn, qua đó tạo nên cảm giác thoải mái tại phố cổ chật chội.
Ngoài ra, những công trình kiến trúc cổ, di tích lịch sử như: Nhà 87 Mã Mây, đền Bạch Mã, đình Quán Đế, đền Hương Tượng… sẽ giúp cho khách hiểu thêm lịch sử, văn hóa của Thăng Long - Hà Nội. Tại các di tích này, du khách được thưởng thức miễn phí nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống như hát xẩm, chầu văn, ca trù... Một không gian biểu diễn nhạc Jazz cũng được bố trí ngay trên hè phố để các nghệ sĩ đường phố phục vụ cho những ai yêu thích nghệ thuật đương đại. Trên vỉa hè các tuyến phố, bên cạnh việc giới thiệu, phục vụ du khách tinh hoa ẩm thực của Hà Nội, một số hàng ăn nhẹ Âu, Á, còn bày bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ, kim hoàn truyền thống của TP Hà Nội và đất nước Việt Nam.
Việc mở rộng thêm không gian đi bộ tại 6 tuyến phố thuộc khu bảo tồn cấp I, đồng thời kết nối chặt chẽ với tuyến phố đi bộ chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân, hệ thống nhà hàng, khách sạn tại Khu phố cổ Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho du khách có được một hành trình trải nghiệm "ngắm nhìn - nghe - mua sắm - thưởng thức các món ăn đặc sản truyền thống" khi đến với Thủ đô.
Để "vừa mắt" du khách và cũng là để mục tiêu này đạt kết quả lâu bền, quận Hoàn Kiếm đã triển khai những giải pháp nào về quản lý trật tự đô thị?
- Để chuẩn bị đưa tuyến phố đi bộ mở rộng vào hoạt động, đồng thời đảm bảo các quy định của "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014", UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai nhiều hoạt động chỉnh trang đô thị, tháo dỡ hơn 200 mái vẩy, mái che gây mất mỹ quan. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu giao thông tĩnh phục vụ tuyến phố đi bộ mở rộng, UBND quận đã cấp phép các điểm trông giữ xe trên vỉa hè, với tổng diện tích 648m2. Ngoài ra, du khách có thể để xe ở 12 điểm trông giữ đang phục vụ tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân với diện tích 1.463m2; đồng thời, tăng cường xử lý các điểm trông giữ xe trái phép.
Nhằm tạo sự thông thoáng trong việc đi lại tham quan của du khách, 6 tuyến phố đi bộ đợt này sẽ không tổ chức kinh doanh dưới lòng đường. Ngoài ra, những hộ kinh doanh ẩm thực phải sử dụng những bộ bàn ghế vừa tiện nghi cho khách, vừa thuận tiện khi di chuyển.
Chắc chắn hoạt động của chợ đêm sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân trong khu vực. Vậy, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ giải quyết những vướng mắc này như thế nào, thưa ông?
- Kết quả công tác khảo sát 6 tuyến phố đi bộ này cho thấy, khó khăn lớn nhất mà các hộ dân sinh sống ở đây gặp phải là việc sắp xếp nơi để xe máy cho các gia đình. Nhằm giải quyết khó khăn này, UBND quận đã dán tem cho 2.000 xe máy của người dân trong khu vực này, sau đó vận động họ đưa ra bãi xe do quận tổ chức trông miễn phí để trả lại không gian vỉa hè cho các hoạt động khác.
Nhiều nhu cầu khác của người dân cũng được quận ghi nhận và từng bước tháo gỡ. Nhìn chung, người dân sinh sống trên các tuyến phố này hiện cơ bản đồng thuận, nhất trí cao. Điều đó hứa hẹn sự thành công của Chợ đêm phố cổ Hà Nội, qua đó thu hút du khách đến với Thủ đô.
Xin cảm ơn ông!