Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong dịch Covid-19: Mong chính sách đến sớm

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mong mỏi chính sách hỗ trợ của Chính phủ dành cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 sớm được triển khai, để các khoản hỗ trợ sớm đến tận tay từng người dân, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh trục lợi chính sách. Đây đang là những vấn đề dư luận rất quan tâm trong những ngày này, bên cạnh việc phòng chống dịch bệnh.

 Các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình được nhận quà hỗ trợ trong đợt dịch Covid-19. Ảnh: Việt An
Ngay sau khi Chính phủ có nghị quyết về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng dành cho khoảng 20 triệu người gặp khó khăn vì Covid-19, thực sự đã tiếp thêm sức mạnh nguồn cổ vũ lớn lao không chỉ với người nghèo, người gặp khó mà còn cho toàn xã hội. Nhiều người đã đánh giá đây là gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, thể hiện rõ cam kết, không bỏ sót ai chịu thiệt hại vì dịch bệnh. Để niềm vui của các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ này được trọn vẹn, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành từ T.Ư đến địa phương đóng vai trò quan trọng, nhằm tích cực triển khai sớm, để hỗ trợ đến tận tay từng người dân, DN. Rất nhiều người nghèo, người lao động khó khăn đang bày tỏ sự mong mỏi gói hỗ trợ sớm đi vào thực tế, để giúp họ phần nào chống đỡ với khó khăn, chờ ngày dịch bệnh được kiềm chế, kinh tế phục hồi trở lại. Bởi chính sách đã là rất tốt, rất nhân văn rồi, việc triển khai kịp thời, không có độ “trễ” càng ý nghĩa hơn nữa.
Rất mừng rằng, dù chính sách có phạm vi ảnh hưởng lớn, chưa từng có tiền lệ, nhưng các cấp, các ngành đang vào cuộc rất tích cực. Trong khi Bộ LĐTB&XH đang hoàn thiện để ban hành hướng dẫn chi tiết làm căn cứ cho các địa phương triển khai rà soát, đặc biệt là với nhóm lao động tự do, bản thân các địa phương cũng đã vào cuộc ngay để rà soát, lên danh sách bước đầu các hộ nghèo, hộ khó khăn… Đồng thời, nhiều địa phương đã cho tổ dân phố kết hợp với công an khu vực và người dân rà soát lao động tự do, không để ai bị bỏ sót. Với tinh thần sẵn sàng khi có hướng dẫn cụ thể sẽ triển khai để tiền nhanh chóng được chuyển đến người dân. Chính điều đó đang mang lại những hy vọng rất lớn, sự yên tâm cho người dân, hộ kinh doanh, DN thuộc nhóm được hỗ trợ vể việc họ sẽ sớm nhận được tiền.
Nhưng cùng với đó, làm thế nào để gói hỗ trợ ấy thực sự phát huy hiệu quả và tính nhân văn, làm sao đến được đúng đối tượng, công bằng và minh bạch cũng là câu hỏi được lưu tâm. Để qua đó, hạn chế tối đa việc tiêu cực, trục lợi, sai đối tượng, để những đồng tiền của người dân nghèo mới không bị đi "lạc đường" vào nhà cán bộ như những đàn gà, con dê giống, căn nhà tình nghĩa... đã từng xảy ra ở một số nơi. Chính vì vậy, như nhiều ý kiến nhận định, việc giám sát quá trình triển khai, thực hiện phải được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu. Nhiều địa phương cũng đã lên kịch bản giám sát song song với việc rà soát, với hy vọng sẽ hạn chế tối đa tiêu cực có thể nảy sinh. Nhưng kinh nghiệm từ thực tế cho thấy, muốn giám sát tốt việc chi trả hỗ trợ thì các cấp ủy phải vào cuộc cùng chính quyền địa phương trong suốt quá trình này, đồng thời, phát huy vai trò của MTTQ, người dân. Phải kiểm tra, giám sát ngay từ khâu rà soát, lập danh sách, xét duyệt và chi trả. Thực hiện kiểm tra, giám sát ở tất cả các cấp; khi có vi phạm phải xử lý nghiêm minh nhất, mức cao nhất…. Nếu làm đúng và đầy đủ các bước đó chắc chắn sẽ hạn chế tối đa việc trục lợi và vi phạm trong thực hiện chính sách.
Mong rằng, khi công cuộc chống dịch còn bộn bề gian nan, nhịp sống trong thời giãn cách xã hội có thể chậm lại, nhưng những quyết sách an sinh được tăng tốc, triển khai quyết liệt và hiệu quả, đúng và trúng, người dân sẽ vơi bớt khó khăn, yên tâm hơn trong công cuộc chống dịch.