Người khuyết tật trong vùng thiên tai sẽ được hỗ trợ kịp thời
Nằm ở phía Nam TP Hà Nội, huyện Mỹ Đức là vùng chiêm trũng và vùng lũ dự phòng phân lũ của tỉnh Hà Tây cũ. Hàng năm, địa bàn huyện Mỹ Đức chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi biến đổi khí hậu cực đoan, từ hạn hán đến úng ngập.
Những hiện tượng này không chỉ tác động đến đời sống và sản xuất của người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến một bộ phận không nhỏ NKT - nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trước các điều kiện của thiên nhiên khắc nghiệt, đặc biệt là trong mùa mưa bão kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm.
Để hỗ trợ NKT trong phòng, chống thiên tai, với sự tài trợ của Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam, Hội NKT TP Hà Nội đã triển khai dự án “Thu thập thông tin, dữ liệu về Hội NKT và cơ sở hạ tầng phục vụ phòng chống thiên tai có tính tiếp cận với NKT trên địa bàn TP Hà Nội”. Dự án đã tiếp cận và thu thập thông tin từ các gia đình có NKT trên địa bàn 3 xã của huyện Mỹ Đức là An Tiến, Hợp Tiến và Hùng Tiến, trong thời gian từ tháng 7 - 12/2024.
Ngày 11/12, tại hội nghị chia sẻ kết quả dự án “Thu thập thông tin, dữ liệu về Hội NKT và cơ sở hạ tầng phục vụ phòng chống thiên tai có tính tiếp cận với NKT trên địa bàn TP Hà Nội”, Phó Chủ tịch Hội NKT TP Hà Nội Phạm Quang Khoát, người điều phối dự án cho hay: "Chúng tôi triển khai đầy đủ các hoạt động, thu thập được 594 điểm dữ liệu sạch, đạt 132%. Những thông tin khai thác được đưa lên dữ liệu từ phần mềm GPS để xây dựng các ứng dụng công nghệ số phục vụ phòng chống thiên tai nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung. Trong đó, xác định số hộ NKT nằm trong vùng ảnh hưởng của thiên tai, nhu cầu hỗ trợ trước, trong và sau thiên tai để chủ động báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có kế hoạch ứng phó phù hợp, đặc biệt trong việc cảnh báo sớm và sơ tán sớm ưu tiên".
Với những lợi ích đó, tại hội nghị, ông Phạm Quang Khoát đề xuất Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam tiếp tục tài trợ cho Hội NKT TP Hà Nội giai đoạn 2 của dự án phát triển phần mềm để thu thập thông tin hội viên cho toàn huyện Mỹ Đức và toàn TP Hà Nội; giai đoạn 3 áp dụng phần mềm quản lý hội viên để hỗ trợ cho NKT được tốt nhất.
Mong muốn triển khai phần mềm GPS ở nhiều địa bàn khác
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu trong phòng chống thiên tai sẽ hỗ trợ cho NKT một cách kịp thời, là khẳng định của Chủ tịch Hội NKT TP Hà Nội Đỗ Thị Huyền tại hội nghị. “Ban đầu, chúng tôi nghĩ dự án này hỗ trợ nhiều NKT tại cộng đồng, trong trường hợp thiên tai, bão lũ khẩn cấp thì sẽ biết làm thế nào để chia sẻ thông tin họ cần hỗ trợ. Hội NKT TP Hà Nội cũng mong muốn biết được hội viên nào trong tình trạng ra sao để có thể hỗ trợ kịp thời hoặc liên hệ với các bên liên quan để họ được trợ giúp" - bà Đỗ Thị Huyền thông tin thêm.
Theo bà Đỗ Thị Huyền, thông qua phần mềm này, Hội NKT TP Hà Nội sẽ chủ động cảnh báo sớm về thiên tai cũng như hướng dẫn hội viên cách phòng tránh. Khi bão lũ xảy ra, Hội biết được rất nhanh ai đang ở vùng lũ, ai đang ở chỗ bị cô lập để có hướng xử lý kịp thời.
Không chỉ vậy, thông qua phần mềm này, Hội NKT TP Hà Nội còn nắm được thông tin NKT có mong muốn học nghề, vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất... Về phía các hội viên NKT cũng cảm thấy thông tin chia sẻ rất hữu ích và yên tâm nếu có bão lũ xảy ra thì biết tìm đến ai và ở đâu.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Mỹ Đức có khoảng 4.500 NKT, trong đó có 1.200 hội viên. Theo Chủ tịch Hội NKT huyện Mỹ Đức Nguyễn Quang Huy, dự án thực hiện trong thời gian ngắn nhưng rất hiệu quả và thiết thực. Thông qua dự án, NKT được trang bị kiến thức thiên tai xảy ra thế nào, chủ động liên hệ chính quyền để phòng chống, giảm thiểu rủi ro.
Với những dữ liệu được cập nhật và đưa lên phần mềm GPS, Hội NKT Mỹ Đức biết được khu vực nào của xã nào, nhà ở của NKT nào bị ảnh hưởng thiên tai thì sẽ đề xuất với chính quyền cứu trợ khẩn cấp. Đồng thời Hội NKT cũng có thể hỗ trợ hội viên, giúp họ thoát được thảm họa của thiên tai.
“Chúng tôi mong muốn dự án sẽ triển khai ở các xã còn lại của huyện Mỹ Đức. Từ đó, giúp chúng tôi thu thập thông tin làm cơ sở dữ liệu để có tư vấn chính sách, đề xuất các kế hoạch tốt nhất hỗ trợ cho NKT khi biến đổi khí hậu cực đoan xảy ra” - ông Nguyễn Quang Huy cho hay.
Đánh giá về kết quả dự án, Tham tán, Phó Đại sứ đại diện Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam Aldo de Luca cho biết, tất cả các mục đích của dự án đều đã đạt được, thậm chí vượt ngoài mong đợi. Đây là dự án vô cùng ý nghĩa đối với NKT nói riêng, cộng đồng nói chung và hoàn toàn có thể triển khai ở những địa bàn khác.