Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hỗ trợ tâm lý học sinh sau thời gian nghỉ dịch: Cần sự tinh tế của giáo viên

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong ba ngày 22, 23, 24/11, các trường học đủ điều kiện an toàn tại khu vực ngoại thành Hà Nội được phép mở cửa cho học sinh lớp 9 đến trường học trực tiếp. Bên cạnh việc hỗ trợ, củng cố kiến thức thì Ban giám hiệu các trường cũng đặc biệt lưu tâm đến việc theo dõi, phát hiện những học sinh có biểu hiện bất thường về tâm lý để có hình thức hỗ trợ kịp thời.

Một số học sinh rụt rè, ngại giao tiếp
Trước ngày học sinh được đến trường trở lại, hầu hết các trường học tại Hà Nội đã đặt ra những kế hoạch rất cụ thể đối với tổ chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn; trong đó, ngoài việc bồi dưỡng, ôn luyện kiến thức, nâng cao chất lượng giảng dạy còn quan tâm đến biểu hiện tâm lý của từng em, từ đó có biện pháp giúp đỡ cần thiết. Điều này đòi hỏi tinh thần tận tâm, trách nhiệm, kỹ năng, đặc biệt là sự tinh tế của người giáo viên.
 Ngoài bồi đắp kiến thức, học sinh còn được quan tâm hỗ trợ tâm lý khi đi học trực tiếp
Nghỉ học suốt thời gian dài, sau ba ngày đến lớp, tâm trạng nổi bật của học sinh là háo hức, phấn khởi khi được gặp thầy cô, bạn bè, được ngồi trong lớp học nghe giảng trực tiếp. Tuy nhiên, qua nắm bắt tổng thể và trao đổi chi tiết với các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cô Bùi Tố Hoa- Hiệu trưởng trường THCS Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ cho biết, trong 234 học sinh của 5 lớp 9 cũng xuất hiện tình trạng một số học sinh có biểu hiện rụt rè, ít nói hơn; có em ngượng ngùng, xấu hổ, ngại tiếp xúc thầy cô, bạn bè. Bên cạnh đó, ngoài đa phần các em có sự phát triển thể chất cân đối, cao lớn hơn thì cũng có em bị suy dinh dưỡng hoặc thừa cân do chế độ ăn không đảm bảo và ít vận động.
Tại buổi họp hội đồng trường trước khi cho học sinh quay trở lại học, hỗ trợ tâm lý cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Ban giám hiệu trường THCS Ngọc Hòa nhắc đến và giao nhiệm vụ cho các giáo viên. Vì vậy, khi phát hiện hoặc cảm nhận được học sinh nào e ngại, rụt rè, thầy cô sẽ có phương pháp điều chỉnh ngay như chuyện trò, tâm sự, trao đổi riêng; gọi phát biểu để tương tác nhiều hơn; kiểm tra việc ghi chép của học sinh nhằm kịp thời chỉnh sửa, uốn nắn, nhắc nhở. Do đi học trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp, học sinh được khuyến khích ra chơi tĩnh, ngồi tại lớp hoặc chỉ ra hành lang khu vực lớp học; hạn chế chạy nhảy, không xuống sân nên ban giám hiệu nhà trường đã giao nhân viên y tế kiểm tra tình hình sức khỏe, cân nặng học sinh; giao giáo viên thể dục tăng cường cho học sinh tập các động tác thể dục giữa giờ để tăng cường vận động, đảm bảo sức khỏe thể lực cho các em.
Cần phụ huynh đồng hành
Theo cô Bùi Tố Hoa- Hiệu trưởng trường THCS Ngọc Hòa thì tác động tiêu cực của dịch bệnh lên thể chất và tinh thần của học sinh khó có thể khắc phục trong một sớm một chiều mà cần thời gian cũng như sự phối hợp từ phía gia đình. Nhưng một trong những điều khiến cô Hoa băn khoăn trong giai đoạn học trực tiếp, đó là sự phối hợp với nhà trường của một bộ phận phụ huynh học sinh còn chưa tích cực.
“Với những học sinh cần quan tâm hơn hoặc có biểu hiện tâm lý khác biệt, giáo viên chủ nhiệm đã gọi điện trao đổi với phụ huynh về tình hình của con; lưu ý phụ huynh quản lý, nhắc nhở con ăn uống đầy đủ, hợp vệ sinh; tập các bài tập với mắt…; tuy nhiên không phải phụ huynh nào cũng đồng hành với nhà trường vì lí do quá bận việc. Phụ huynh đa số làm công nhân khu công nghiệp nên rất ít thời gian và điều kiện quan tâm, chăm sóc con cái. Số học sinh cần quan tâm hỗ trợ tâm lý chủ yếu rơi vào trường hợp bố mẹ ly thân, ly hôn, sống với ông bà… nên trách nhiệm của các thầy cô giáo càng tăng lên”- Cô Bùi Tố Hoa cho biết. Trước mắt, ngoài đảm bảo các giờ dạy chất lượng, Ban giám hiệu trường THCS Ngọc Hòa giao cô tổng phụ trách và nhân viên y tế thường xuyên tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch bệnh; về các vấn nạn học đường hoặc mời chuyên gia tuyên truyền trên Zoom các kỹ năng sống; tư vấn cách học hiệu quả, tránh xa cạm bẫy của game, mạng xã hội… để các con có thêm nhiều kỹ năng bảo vệ bản thân và có tâm lý học tập tích cực.
 Để đảm bảo an toàn, học sinh được khuyến cáo chơi tĩnh, không nô đùa khi ra chơi nên mức độ vận động cũng bị hạn chế
Nhận thức sâu sắc về tác động của dịch bệnh đến tâm lý học sinh, theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu thì Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh đã báo cáo Đảng ủy, UBND huyện đề nghị các ban ngành, đoàn thể cùng vào cuộc và tăng cường phối hợp, hỗ trợ quản lý học sinh khi trường học mở cửa trở lại. Phòng cũng chỉ đạo, yêu cầu các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch nhằm nhận diện, tư vấn, hỗ trợ kịp thời những vấn đề tâm lý của học sinh để các em cảm nhận được niềm hạnh phúc khi đến trường.
Cô Ngô Thị Tuyết Mai - Hiệu trưởng trường THCS Phù Linh (huyện Sóc Sơn) cho biết: Ngoài ôn tập, củng cố kiến thức thì nhà trường rất quan tâm đến các biểu hiện, thái độ của học sinh khi đi học trực tiếp. Buổi học đầu tiên, trường đã tổ chức sinh hoạt lớp vào tiết 5 để giáo viên, học sinh có thời gian trao đổi, chia sẻ sau thời gian học online. Tiết sinh hoạt đã diễn ra vui vẻ, cởi mở, sôi nổi và hào hứng. Ban Tâm lý học đường của nhà trường cũng được kích hoạt các hoạt động trở lại- sẽ là nơi tiếp nhận, hỗ trợ, động viên các em khi gặp vấn đề cần bày tỏ. Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu tổng phụ trách kết hợp giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tâm lý của từng học sinh nhằm kịp thời phát hiện và tháo gỡ vướng mắc mà các em gặp phải. “Qua hai ngày đi học đầu tiên, các em đều vui vẻ và tích cực. Nhà trường cũng lồng ghép nội dung học tập chính khóa với các tiết chào chờ, sinh hoạt hay hoạt động vẽ tranh… tránh gây áp lực, căng thẳng cho học sinh”- cô Ngô Thị Tuyết Mai cho hay.
Từ ngày 23/11, Hà Nội tổ chức tiêm vaccine mũi 1 cho học sinh cấp THPT theo hình thức cuốn chiếu; tiếp đến là tiêm cho học sinh từ đủ 12-17 tuổi. Dự kiến, đầu tháng 12, học sinh cấp THPT sẽ được đến lớp; các cấp học khác cũng được xem xét cho đi học trực tiếp sau khi tiêm vaccine mũi 1 và khi mức độ bao phủ vaccine trên địa bàn TP ở mức đảm bảo an toàn.
Tại Văn bản số 3995/SGDĐT-CTTT ngày 20/11/2021 của Sở GD&ĐT Hà Nội có lưu ý: Việc cho học sinh trở lại trường chỉ áp dụng với 18 huyện, thị xã khu vực dịch ở cấp độ 1, 2, trong 14 ngày tính đến thời điểm ngày 19/11/2021 không có ca F0 trong cộng đồng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tiễn dịch bệnh để quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho học sinh đi học trở lại trên địa bàn. Tiếp nối huyện Ba Vì, ngày 22/11, một số trường THCS thuộc 10 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Mê Linh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Phú Xuyên, Ứng Hòa tổ chức cho học sinh lớp 9 THCS đi học. Ngày 23/11, thêm các trường học vùng xanh của 4 huyện: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Quốc Oai mở cửa đón học sinh lớp 9. Ngày 24/11, 3 huyện, thị xã còn lại: Sơn Tây, Thường Tín và Hoài Đức cũng cho phép các trường đủ điều kiện mở cửa đón học sinh khối 9. Với đặc thù có học sinh nội trú và đến từ nhiều địa phương khác nhau nên học sinh các cấp học- trường Phổ thông Nội trú Ba Vì sẽ trở lại trường vào ngày 25/11- sau khi thực hiện các thủ tục, biện pháp cần thiết trong phòng chống dịch bệnh.
Giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh với tâm lý học sinh
“Tư vấn tâm lý cho học sinh là vấn đề quan trọng để giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể xảy ra, góp phần xây dựng môi trường trường học an toàn, thân thiện. Việc tư vấn tâm lý cho các em cần quan tâm cả đến giáo dục kỹ năng sống, nhằm tăng ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử, hoàn thiện nhân cách cho các em.”- Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh và cho rằng, những khó khăn, khủng hoảng tâm lý của học sinh trong bối cảnh Covid-19 đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ giáo viên có kiến thức sâu về tâm lý, tư vấn tâm lý học đường, đặc biệt đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, đội ngũ cán bộ Đoàn Đội.
Để nâng cao, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ giáo viên trong công tác hỗ trợ tâm lý cho học sinh khi đi học trở lại, trước đó, Bộ GD&ĐT đã chủ trì tổ chức chương trình tập huấn trực tuyến với chủ đề: “Tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19” cho hơn 1.000 cán bộ phụ trách công tác xã hội, tư vấn tâm lý, giáo viên, cán bộ quản lý của các trường phổ thông trên toàn quốc. Tại chương trình, các chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục của Việt Nam và quốc tế sẽ cùng chia sẻ về vai trò của tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh học trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; kinh nghiệm và kiến thức để nhận diện những vấn đề tâm lý thường gặp ở học sinh trong dịch bệnh và khi quay lại trường học. Bên cạnh đó, chương trình cũng trang bị cho cán bộ tư vấn tâm lý, giáo viên kỹ năng tư vấn, hỗ trợ cho học sinh khi gặp những khó khăn tâm lý; kỹ năng giúp học sinh đảm bảo an toàn, phòng chống bạo lực, xâm hại và các kỹ thuật giúp cán bộ, giáo viên cân bằng giữa công việc và gia đình.