Tại kỳ họp 20 của HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đang diễn ra, các đại biểu đã thông qua nhiều nghị quyết về các vấn đề kinh tế, văn hóa, giáo dục. Đối với đối tượng áp dụng trong nghị quyết “Quy định mức thù lao hàng tháng và mức hỗ trợ đối với người được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ các đối tượng cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy tại cấp xã theo phân công của Chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn TP”, mỗi tháng được trả thù lao là 0,6 lần mức lương cơ sở hiện hành/người/tháng. Mức hỗ trợ cho người được giao nhiệm vụ nêu trên cũng tương tự mức trả thù lao.
Nguồn kinh phí lấy từ ngân sách Nhà nước (NSNN). Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, và thay thế nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 19/10/2021 của HĐND TP quy định về chính sách hỗ trợ đối với người theo dõi, quản lý đối tượng cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng của tổ công tác cai nghiện ma túy do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định thành lập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Ngoài nghị quyết nêu trên, HĐND TP cũng thông qua nghị quyết “Quy định mức hỗ trợ đặc thù đối với khoán bảo vệ rừng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”. Các loại rừng được hỗ trợ gồm: rừng đặc dụng; rừng phòng hộ; rừng phòng hộ thuộc vùng đất ven biển tại TP. Đối tượng được áp dụng tại nghị quyết này là các cá nhân, hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng; các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc giao, nhận khoán bảo vệ 3 loại rừng nêu trên.
Cụ thể, mức hỗ trợ đối với khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ bình quân: 1,8 triệu đồng/ha/năm; đối với rừng phòng hộ ven biển bằng 1,5 lần mức hỗ trợ rừng phòng hộ bình quân 2,7 triệu đồng/ha/năm. Kinh phí hỗ trợ lấy từ NSNN, nghị quyết này cũng có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Nghị quyết về hỗ trợ đối với giao khoán bảo vệ rừng cũng giao UBND TP tổ chức thực hiện thống nhất trên địa bàn TP; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tuân thủ đúng quy định pháp luật, hướng đến mục tiêu tiết kiệm, chống lãng phí phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của TP.
Trong quá trình thực hiện phải đảm bảo hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn TP; tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, đề xuất các chính sách để ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các cá nhân, hộ gia đình bảo vệ rừng.