Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hòa Bình: thúc đẩy xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới

Tâm Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2024, ngành nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình cùng các ngành, đơn vị liên quan đã phối hợp thực hiện nhiều giải pháp để đưa nông sản Hòa Bình đến gần hơn với những thị trường khó tính trên thế giới.

Năm 2024, trên 42.318 tấn nông, lâm sản đã được xuất khẩu với tổng giá trị hàng hóa đạt khoảng 555,2 tỷ đồng. Những mặt hàng đã có mặt tại thị trường quốc tế gồm: gỗ, quế, mía, chè, cháo, măng, lạc, bưởi, ớt muối, rau củ muối các loại, lươn...

Hiện nay, trong cơ cấu kinh tế của Hòa Bình, ngành nông nghiệp chiếm 22,12% GRDP và đã hình thành được một số mặt hàng chủ lực như cam, bưởi, mía tím, lợn bản địa, gà đồi, cá sông Đà... với sản lượng hàng năm khá lớn. Định hướng phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh giai đoạn đến năm 2030, Anh cũng được đánh giá là một trong những thị trường truyền thống.

Hòa Bình thúc đẩy xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới.
Hòa Bình thúc đẩy xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới.

Những năm gần đây, nhờ tận dụng tốt ưu đãi từ các FTA, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), trái cây đặc sản của Hòa Bình như cam Cao Phong, quýt Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn, thanh long và khoảng hơn 100 sản phẩm đặc sản địa phương như tinh bột nghệ, chanh đào mật ong, miến dong, trà giảo cổ lam… được xuất khẩu sang Anh. Các sản phẩm này được xuất khẩu thông qua Công ty cổ phần R.Y.B (Hòa Bình) và ban đầu đã nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng, hứa hẹn những đơn hàng lớn hơn cho những năm tiếp theo.

Tháng 10/2024, lần đầu tiên 2 sản phẩm nông sản chế biến của tỉnh Hòa Bình được xuất khẩu chào hàng sang thị trường Anh là mật ong rừng của Hợp tác xã (HTX) Green Life, xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi và hành tăm muối Yên Thủy của HTX nông nghiệp Phú Lai, xã Phú Lai, huyện Yên Thủy. Cả 2 sản phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 - 4 sao; các mẫu phân tích 2 sản phẩm đều đạt các chỉ tiêu kiểm định về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của EU và Anh trước khi có mặt tại thị trường mới.

Năm 2024, góp phần triển khai có hiệu quả đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, các chương trình, kế hoạch, hoạt động quản lý Nhà nước về vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản được tăng cường, đẩy mạnh, thực hiện đúng quy định. Ngành nông nghiệp Hòa Bình đã giới thiệu, kết nối cho 52 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại. Triển khai hỗ trợ cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ISO, HACCP... cho 26 cơ sở. Cùng với đó, tiếp tục duy trì quảng bá sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm với 77 doanh nghiệp, HTX  và 360 sản phẩm tham gia.

Ngoài ra, hoạt động hỗ trợ hình thành các chuỗi liên kết sản xuất được quan tâm, thúc đẩy và có sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa các tổ chức, cơ sở, chủ thể liên kết. Đến nay, các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất trồng trọt ngày càng đa dạng và mở rộng quy mô, tận dụng tối đa lợi thế của từng địa phương để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Trong đó có vùng nguyên liệu mía ăn tươi phục vụ xuất khẩu tại huyện Tân Lạc, Lạc Sơn quy mô từ 50 - 100 ha; liên kết xây dựng vùng nguyên liệu trồng ớt, chanh leo tại các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy, Mai Châu quy mô 20 - 50 ha; chuỗi liên kết sản xuất, xuất khẩu bưởi đỏ tại huyện Tân Lạc, bưởi Diễn tại huyệnYên Thủy, Lương Sơn quy mô 10 - 50 ha/chuỗi.

Theo Sở Công Thương Hòa Bình, thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định UKVFTA rộng rãi hơn nữa; xây dựng chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nông dân, phù hợp với cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; hoàn thiện chính sách thương mại, tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa xuất khẩu; nghiên cứu đánh giá trên cơ sở khoa học để xác định rõ danh mục các mặt hàng xuất khẩu thực sự có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh….