Hòa đàm Syria - Không ai chịu ai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vòng mới nhất của tiến trình hòa đàm Syria dù đã được lên kế hoạch diễn ra tại Geneva vào ngày 25/1 nhưng đã bị hoãn đến ít nhất là giữa tuần này, phản ánh thế bế tắc của nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho quốc gia Trung Đông này.

Cuộc nội chiến Syria đã khiến khoảng 260.000 người thiệt mạng kể từ năm 2011, hàng triệu người phải trốn khỏi đất nước, một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu. Do vậy, cuộc nội chiến bắt đầu cách đây 4 năm đang là mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, việc cuộc hòa đàm sẽ bị hoãn ít nhất là đến giữa tuần cho thấy, hành trình tìm kiếm hòa bình cho Syria vẫn vô cùng khó khăn.
Cuộc nội chiến Syria là một nguyên nhân gây ra khủng hoảng di cư.
Cuộc nội chiến Syria là một nguyên nhân gây ra khủng hoảng di cư.
Trước đó, đại diện chính phủ Syria cho biết, đã sẵn sàng để tham gia cuộc hòa đàm nhưng Hội đồng dân tộc Syria, tổ chức chính trị và vũ trang đối lập của Tổng thống Bashar al-Assad đã từ chối tham gia hội nghị. Đồng thời đưa ra tối hậu thư sẽ chỉ tham dự cuộc đàm phán khi chính phủ ngừng oanh kích, dỡ bỏ phong tỏa và thả các tù nhân - một trong các bước được đề cập trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc vào tháng trước.

Đáp lại yêu cầu này, một quan chức cao cấp trong Chính phủ Syria cho biết, Damascus sẽ không nhượng bộ trong các cuộc hòa đàm khi quân đội đang có những bước tiến so với phe đối lập tại các địa điểm khác nhau của Syria.

Sự căng thẳng giữa các lực lượng vẫn ngày một tăng khi ngay trước cuộc hòa đàm, các nhóm vũ trang đối lập đã gay gắt buộc tội Chính phủ Syria và Nga phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ các thất bại nào của cuộc hòa đàm nhằm kết thúc nội chiến.

Saleh Muslim, đồng Chủ tịch của Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD), nhóm chính trị chủ chốt của người Kurd tại Syria tuyên bố, cuộc hòa đàm Syria sẽ thất bại nếu lực lượng người Kurd ở Syria không được tham dự.

Trong khi đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu phản đối việc có mặt của lực lượng người Kurd và coi lực lượng này cũng là một nhóm khủng bố. Theo ông Ahmet Davutoglu, không hề có sự phân biệt giữa nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Đảng Công nhân người Kurdistan (PKK), một nhánh của PYD, và nói thêm rằng, các lực lượng khủng bố không có chỗ trên bàn đàm phán về hòa bình cho Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ vốn có mối quan hệ phức tạp với người Kurd, sinh sống ở phía Bắc Syria sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, từ lâu đã đấu tranh đòi quyền tự chủ riêng biệt. Cuối tháng 10/2015, Nga đã đề xuất đưa lực lượng người Kurd vào danh sách các bên tham gia đàm phán giải quyết tình hình ở Syria. Sau khi mối quan hệ Nga - Thổ trở nên căng thẳng do sự cố không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga, nước này bắt đầu tích cực tiếp xúc với người Kurd. Đặc biệt, một cơ quan đại diện chính thức của người Kurd (tại Syria) đã được mở tại Moscow khiến Ankara phẫn nộ với động thái này.

Trước tình hình cuộc hòa đàm có nguy cơ thất bại ngay trước khi được tiến hành, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, tương lai cuộc hòa đàm đang nằm trong tay các lực lượng của Syria. “Chúng tôi đã nhất trí về một thỏa thuận khung, người Syria có khả năng tự quyết định tương lai của nước mình” - ông John Kerry nói. Đồng thời cũng cảnh báo, nguy cơ chiến tranh tiếp tục xảy ra là rất cao nếu các bên không hợp tác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần