Hòa giải ở cơ sở: Giải quyết hiệu quả tranh chấp, mâu thuẫn

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 23/11/2016 của Thành ủy Hà Nội về công tác hòa giải các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ Nhân dân ngay tại cơ sở. Tỷ lệ hòa giải hàng năm đều tăng, số vụ việc giảm, việc triển khai mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã tích cực phát huy trong thực tiễn.

Hòa giải viên Trần Thủ Thành đang trao đổi nghiệp vụ với cán bộ tư pháp phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (Ảnh chụp trước khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp)

Theo Hội đồng Phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) TP Hà Nội, toàn TP hiện có 4.937 tổ hòa giải với tổng số 31.957 hòa giải viên, trong đó có 2.822/4.937 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” (đạt tỷ lệ 57%). Tính đến ngày 31/10/2021, toàn TP đã tiếp nhận tổng số 3.028 vụ việc hòa giải (bao gồm cả số vụ chưa giải quyết xong kỳ trước chuyển sang), giảm 1524 vụ việc so với cùng kỳ năm 2020, đã tiến hành hòa giải thành 2.483/2.911 vụ việc, 160 vụ việc đang tiến hành hòa giải (tỷ lệ hòa giải thành đạt 85,29%), tăng 2,59% so với cùng kỳ.

Một số quận, huyện đạt tỷ lệ hòa giải thành cao như: Thanh Xuân (đạt 100%), Đống Đa (100%), Cầu Giấy (97,62%), Thường Tín (97,37%), Long Biên (96,3%), Hà Đông (94,25%), Thanh Trì (93,95%), Ba Đình (92,24%), Bắc Từ Liêm (91,49%), Quốc Oai (91,18%), Chương Mỹ (90,91%), Hoàn Kiếm (90,98%)...

UBND TP Hà Nội tổ chức đánh giá, sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 23/11/2016 của Thành ủy Hà Nội về công tác hòa giải các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ Nhân dân ngay tại cơ sở. Kết quả chất lượng hòa giải được nâng lên thể hiện qua tỷ lệ các vụ hoà giải thành năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ hòa giải thành 5 năm đạt cao: 84.63% (tăng trung bình 3,23% so với giai đoạn trước Chỉ thị 11-CT/TU  (năm 2014-2016).

Số vụ việc mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư giảm dần, số lượng vụ việc so với giai đoạn trước Chỉ thị 11-CT/TU ban hành giảm mạnh, (giảm khoảng 3.592 vụ/năm) đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp trong Nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp; tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân.

Qua đánh giá cho thấy, UBND TP, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU, tỷ lệ hòa giải hàng năm đều tăng, số vụ việc giảm; việc triển khai mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã tích cực phát huy trong thực tiễn.

Tiểu phẩm của quận Thanh Xuân trong cuộc thi hòa giải viên giỏi TP Hà Nội

Bên cạnh đó, TP tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện cấp phát ấn phẩm Pháp luật & Xã hội của Báo Kinh tế & Đô thị đến 100% các tổ hòa giải trên địa bàn TP nhằm nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. TP tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về hòa giải, kỹ năng hòa giải trên Trang thông tin điện tử tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Hội đồng Phối hợp PBGDPL, đặc biệt là các tin, bài viết về gương người tốt việc tốt trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, câu chuyện hòa giải trong thực tế cuộc sống góp phần nâng cao kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên.

Một số quận, huyện có số lượng tổ hòa giải nhiều hơn số lượng thôn/tổ dân phố:  Chương Mỹ (208 thôn, tổ dân phố; 228 tổ hòa giải);  Mỹ Đức (131 thôn, tổ dân phố; 157 tổ hòa giải, Thanh Trì ( 95 thôn, tổ dân phố; 110 tổ hòa giải); Quốc Oai ( 95 thôn, tổ dân phố; 128 tổ hòa giải), Đan Phượng (129 thôn, tổ dân phố; 132 tổ hòa giải.

Nhiều quận, huyện tích cực duy trì mô hình hoạt động “Tổ hòa giải 5 tốt” như: Hoàn Kiếm 124/124 tổ (chiếm 100%), Thanh Xuân: 154/154 tổ (chiếm 100%), Long Biên: 215/220 tổ (chiếm 97,7%), Ba Đình: 136/151 Tổ (chiếm 90,07%), Mỹ Đức : 140/157 Tổ (chiếm 89%), Bắc Từ Liêm: 168/189 tổ (chiếm 88,89%)...

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP, công tác hòa giải cơ sở đóng vai trò quan trọng, góp phần giải quyết hiệu quả các tranh chấp, mâu thuẫn, mang lại bình yên cho các thôn xóm, giảm khiếu kiện vượt cấp. Với tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm, các hòa giải viên ở cơ sở đã hòa giải thành công nhiều vụ việc, hóa giải các mâu thuẫn, tranh chấp. Người dân ngày càng tin tưởng và lựa chọn sử dụng biện pháp hòa giải ở cơ sở trong giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn thuộc phạm vi hòa giải.

“Năm 2022, Hội đồng PBGDPL TP tiếp tục triển khai thí điểm một số mô hình PBGDPL mới; nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác tuyên truyền, hòa giải ở cơ sở; đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác PBGDPL” - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương nhấn mạnh.