Với tấm lòng nhiệt huyết của người giáo viên, khi về hưu, bà Phùng Thị Khắng (Trưởng Ban công tác mặt trận Tổ dân phố 2, phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây) đã tích cực tham gia công tác hòa giải ở địa phương. Bà đã tuyên truyền vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, hương ước, quy ước Tổ dân phố bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Thi hòa giải viên giỏi – cách làm hay của TP Hà Nội để nâng cao năng lực của đội ngũ hòa giải viên. Ảnh: Thái San |
Chia sẻ về một kỷ niệm trong công tác hòa giải ở cơ sở, bà Khắng cho biết, khi nâng cấp mở rộng tuyến đường qua tổ dân phố theo tinh thần Nhà nước và Nhân dân cùng làm, phần lớn người dân đồng tình, ủng hộ và hiến đất, lùi tường bao các công trình xây dựng trên đất. Tuy nhiên, một số hộ dân yêu cầu chính quyền địa phương bồi thường đất và các công trình xây dựng trên đất, cây cối, hoa màu theo quy định của Nhà nước...
Bà đã cùng các thành viên trong tổ hòa giải đến động viên, giải thích về lợi ích của việc mở rộng đường. Qua các buổi gặp gỡ tuyên truyền, vận động, cuối cùng các hộ đều nhất trí hiến đất, lùi tường bao đảm bảo tiến độ thi công công trình.
Nhiều năm qua, thôn Khánh Chúc Bãi (xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì) luôn đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững tình đoàn kết thôn xóm. Một trong những kết quả đó phải kể đến vai trò công tác hòa giải của Trưởng thôn Nguyễn Xuân Sứng. Theo ông Sứng, hòa giải viên phải nắm tình hình sự việc, nghe từ nhiều phía để có thể đánh giá đúng bản chất mâu thuẫn. Bên cạnh đó, hòa giải thấu tình, đạt lý, không được thiên vị bên nào. Trưởng thôn Nguyễn Xuân Sứng đã hòa giải thành nhiều vụ việc, nhất là các vụ việc tranh chấp đất đai.
Với hòa giải viên Chử Thị Kim Anh, Tổ hòa giải số 1, thôn 2, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, trong suốt gần 20 năm tham gia công tác hòa giải, bà đã nhiều lần hòa giải mâu thuẫn giữa các cặp vợ chồng. Như lần nọ, ở quê rộ lên tin đồn hai anh chị hàng xóm cặp bồ với nhau, trong khi cả hai đều đã có gia đình. Chị vợ nghe những lời đồn giận quá nên đi đâu cũng bêu xấu chồng và người hàng xóm.
Trong khi, chị kia cũng rất “đáo để”, nói rằng: “Nếu không bắt được tận tay, day được tận mặt thì chẳng việc gì phải sợ”. Sau khi nhận nhiệm vụ hòa giải, bà Kim Anh đã gặp chị vợ anh chàng kia, phân tích cho chị hiểu, việc nói xấu chồng mình và người phụ nữ khác là điều không nên, bởi xấu chàng thì hổ ai, huống hồ vụ việc chưa rõ ràng. Tiếp đó, bà đến gặp người phụ nữ hàng xóm kia phân tích thiệt hơn, nhất là khi mình lại là người mẹ, người vợ trong gia đình nên có những cư xử đúng mực, tránh để xóm làng dị nghị.
Về phía người chồng, bà cũng không quên nhắc anh tránh để mâu thuẫn gia đình tiếp tục gay gắt, phức tạp; quan trọng hơn là để giữ gìn hạnh phúc của chính gia đình mình. Tâm sự, tỉ tê nhiều ngày, ngẫm lại những điều hòa giải viên khuyên nhủ vừa có lý, có tình và quan trọng hơn vì hạnh phúc của chính mình nên các bên dần dà cũng hiểu ra…