Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hóa tiền tỷ vàng mã trả lễ Bà Chúa Kho

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với quan niệm “Đầu năm vay bà, cuối năm trả nợ”, từ đầu tháng Chạp, người dân nhiều nơi đã về đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) đốt vàng mã. Có người tiêu cả trăm triệu tiền thật mua vàng mã để trả nợ bà.

Tấp nập mâm lễ to, lễ bé
Đền Bà Chúa Kho những ngày cuối năm Mậu Tuất nhộn nhịp người đến trả nợ. Từ đầu đường Cổ Mễ dẫn vào đền, dịch vụ tâm linh "bủa vây" du khách với đủ lời mời chào viết sớ, mua lễ. Ngay tại bãi gửi xe, du khách đã bị bao vây đội ngũ “tiếp viên" mời chào mua lễ. Ban đầu, người nào cũng mời chào khách với giá chung 10.000 đồng một lần viết sớ nhưng chỉ cần gật đầu hỏi thêm giá lễ, du khách sẽ "bị tẩu hỏa nhập ma" bởi các loại dịch vụ lễ. Người bán đua nhau đưa ra các mức giá, từ 100.000 đồng rồi giảm dần đến 70.000 đồng/lễ, lễ trung bình 250.000 đồng/lễ, lễ giá cao 450.000 đồng/lễ, còn loại đặc biệt thì “tùy tâm”. Nhiều khách hàng có thể làm lễ hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
 Người dân hóa vàng mã tại đền Bà Chúa Kho. Ảnh: Lại Tấn
Có lẽ, không ở đâu, lòng thành của người lễ được quy đổi rõ ràng như tại đền Bà Chúa Kho. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều người có thâm niên đi lễ "vay - trả" tỏ ra rất cẩn thận với những lời chèo kéo trên. Do vậy nhiều dịch vụ ăn theo lễ hội năm nay lâm vào cảnh chợ chiều. Chị Quách Thị Liên - tư thương tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội chia sẻ: Những năm trước do tôi không quen nên cứ đến đây sắm đồ lễ và thuê người đội lễ vào thắp hương, khấn vái; khi xong việc họ tính vài trăm ngàn đồng tiền công, mình không trả không được. Năm nay, nhóm buôn của tôi mỗi người góp 1 - 2 triệu thuê riêng một xe ô tô vận chuyển đồ lễ, sau đó đến đền thỏa thuận dịch vụ sắp lễ và khấn thuê, nên cũng bớt bị “chặt chém”.

Bên trong đền, tiến lễ xong, người dân lại ôm từng mâm lớn, mâm bé đốt thành tro. Khu vực hóa vàng mã luôn được tiếp lửa đỏ rực, khói bụi đặc quánh. Mặc dù, Ban quản lý đền Bà Chúa kho đã lắp biển “hạn chế đốt vàng mã” nhưng với quan niệm trần sao âm vậy, ai đi lễ cũng muốn sắm vàng mã và muốn mâm lễ của mình to hơn, đẹp hơn và nhiều hơn nhà khác. Họ hóa vàng để trả nợ, tạ lễ để sang năm lại đến xin lộc Bà. Anh Nguyễn Văn Hùng (Hải Dương) cho biết: “Đầu năm đã đến xin lộc Bà nên cuối năm tôi đến lễ tạ. Vay bao nhiêu trả bấy nhiêu, dư ra càng tốt. Xởi lởi thì bà mới cho. Ai vay rồi mà không trả được thì cũng phải viết sớ khất nợ, để năm sau còn làm ăn được, có tiền sắm lễ trả nợ. Mấy năm nay kinh tế khó khăn, người dân đổ về đây ngày càng nhiều hơn”.

Theo quan sát của phóng viên, những mâm lễ được bày chủ yếu là giấy tiền, vàng mã, hương hoa, tiền thật (loại tiền lẻ mệnh giá nhỏ 500 đồng - 1.000 đồng) và những xấp đôla âm phủ mệnh giá mỗi tờ là 100 USD, tương đương khoảng 1.700.000 đồng tiền thật nếu quy đổi kiểu trần sao âm vậy. Với hàng ngàn lượt khách mỗi ngày vào dịp cao điểm, số tiền thật bỏ ra để mua đồ lễ “vay trả” cũng lên đến hàng tỷ đồng.

Vàng mã ngày càng cỡ đại

Bộ VHTT&DL đánh giá thực trạng đốt vàng mã ở đền Bà Chúa Kho là điểm nóng cần chấn chỉnh; thậm chí lập cả một đề án nghiên cứu về việc đốt vàng mã tại nơi này nhưng chưa thể giải quyết triệt để. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ: “Hiện nay, nhiều người đốt vàng mã, nhà lầu, xe hơi rồi cả tiền đô theo trào lưu. Quan niệm như vậy hoàn toàn không thiết thực, gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan và bản thân các di tích, đền, chùa. Ban quản lý, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp nhưng quan trọng vẫn là ý thức tự giác của công chúng có thay đổi hay không”.

Ông Nguyễn Viết Chức cũng chỉ ra một nghịch lý là việc sản xuất vàng mã đã trở thành một nghề, là mặt hàng được phép sản xuất, không bị cấm. Kinh tế càng phát triển thì nhu cầu tâm linh càng rầm rộ. Trước đây, làng vàng mã chủ yếu làm các đinh tiền, vàng kích thước nhỏ, nay thì toàn đồ cỡ đại: Ô tô, xe máy, nhà lầu, điện thoại.

Với hiện tượng đốt vàng mã tại đền Bà Chúa Kho, PGS Nguyễn Văn Huy cho rằng, Ban quản lý làm nghiêm, không cho người dân bán vàng mã hoặc chỉ cho người dân dâng lễ với số lượng nhất định sẽ hạn chế được việc đốt vàng mã. Đồng thời, cơ quan quản lý cần có những chế tài nghiêm khắc, để khu vực hóa vàng tại đền Bà Chúa Kho không đỏ lửa trong suốt mùa lễ hội sắp tới.