Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoa xương rồng biển

Chia sẻ Zalo

KTĐT - John hoàn toàn không mắc hội chứng về cuộc chiến tranh Việt Nam như cựu binh Mỹ bởi ông đủ tỉnh táo. Tỉnh táo từ khi nhận thẻ quân dịch và càng tỉnh táo hơn khi trở về nước Mỹ.

Người ta phán xét một cuộc chiến tranh qua nhiều lăng kính.

Còn ông?

Chiến tranh là chiến tranh. Dẫu anh có lý giải hay nhận diện được nó thì anh vẫn cứ bị cuốn vào vòng quay của chiến tranh. Con người vốn đã nhỏ nhoi trong vũ trụ và lại càng nhỏ nhoi hơn khi không thể định đoạt nổi số phận của chính mình trước những biến cố, trước những mối quan hệ, những áp lực do chính con người tạo đặt ra. Vẫn còn đó với thời gian, tất cả đã được phơi bày và, vẫn còn ẩn dấu...

Sau chuyến du lịch Việt Nam, nắng và gió Quảng Trị khiến làn da ông săn se, sẫm như đồng đỏ. John mang một nhánh xương rồng biển mọc trên cát trắng ven biển Quảng Trị về trồng trong chậu cảnh và đặt bên cửa kính trong phòng khách. Đó là một loài cây mà theo John: Sống cần mẫn, lặng lẽ vùi mình trong cát bỏng. Dẫu khô khát suốt đời vẫn chắt chiu dòng nhựa, hào phóng dâng hiến màu xanh bất tận. Và mặc cho đạn bom vẫn cứ thản nhiên dâng mầm ngạo nghễ.

Ôi loài cây và xứ sở lạ kỳ(!).

Cũng bên cây xương rồng biển ấy, John nhận được nhiều lời tán dương và cả những cái nhìn hoài nghi, xa lạ của bạn hữu, người thân với ông trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Giá như cây xương rồng biển có thể làm một nhân chứng sống(!). Dẫu sao John cũng có cảm giác cây xương rồng biển cũng như một người bạn để sẻ chia những ưu tư, phiền muộn mỗi khi hoài niệm và nó cũng có một số phận riêng trên đất Mỹ.

Không biết có phải nhờ được chăm chút hay do ánh nắng, khí trời Cali trong phòng kính mà cây xương rồng cứ xanh mơn mởn với những chiếc gai trắng tù, mềm. Dưới ánh đèn đêm, những búp hình trứng dẹp cứ trong veo, sáng xanh như ngọc.

Cái màu xanh mỹ lệ, đài các ấy cứ từng ngày êm đềm gặm nhấm, khoét sâu vào nỗi buồn trong ông. Vừa bâng khuâng, day dứt vừa ngọt ngào, nghẹt thở về một mối tình đầu đã thuộc về quá vãng. Ấy là màu xanh trong mắt Emma. Tắm mình vào cái màu xanh đắm đuối ấy, John không thể nhớ được đã bao lần mông muội. Không đủ can đảm viết lá thư đoạn tuyệt, John tự mình âm thầm khâm liệm mối tình đầu tinh khôi, thánh thiện bằng cách không đọc thư Emma, không có một dòng hồi âm từ xứ sở mà ngỡ chỉ có loài xương rồng biển mới sống nổi. Số phận hay Chúa cứu rỗi mà trong cuộc "viễn chinh", những ngày ác liệt nhất trong canh bạc cuối cùng của Nhà Trắng và giới cầm quyền Sài Gòn với kế hoạch: "Tràn ngập lãnh thổ" tái chiếm Quảng Trị trước giờ Hiệp định Paris có hiệu lực, John đã không mảy may dù chỉ là một vết xước, mặc dù nhiều ngày sau đó, John đã sống trong một trạng thái bất an, hoảng loạn. Vậy John có quyền gì để bắt Emma phải chờ đợi trong khi cái chết cứ luôn luôn rình rập, có thể ập xuống bất kỳ trong lúc hành quân, trước quầy bar, trong quán rượu hoặc ở ngay trong cư xá Mỹ...

*     *     *

 Một trong những vị khách quen của gia đình John là bà Edwood. Bà là người duy nhất  có niềm say mê ngắm cây xương rồng biển. Mỗi khi cúi xuống, những sợi tóc bạch kim của bà như được chải nhẹ nhờ những chiếc gai mềm trắng... Lâu dần, John có cảm tưởng như bà Edwood đến nhà cốt chỉ để được nhìn thấy cây xương rồng biển. Qua cặp kính lão tròn to, bà như đang gửi gắm những tâm sự cùng cây.

 Không thể chờ đợi lâu hơn nữa bởi bà đã chờ đợi hơn ba mươi năm, từ ngày người con trai duy nhất của bà tham chiến ở Việt Nam rồi mãi mãi nằm lại trên mảnh đất phía bên kia Thái Bình Dương. Nơi mà theo một số cựu binh Mỹ may mắn trở về chỉ có loài cây trong chiếc chậu John và con trai bà là lính thuỷ quân lục chiến, từng tham gia các cuộc hành quân Lam Sơn 72, Sóng Thần 9, Sóng Thần 36, 45 vượt sông Thạch Hãn... Giọng bà nhỏ nhẹ, run rẩy vì xúc động nhưng ngân vọng như một lời trăng trối :

- Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi lúc cuối đời là tìm được hài cốt của George.

... Một buổi sáng đẹp trời, khuôn mặt già nua, khô héo bỗng rạng ngời của bà Edwood xuất hiện trên khung cửa. Ánh sáng ùa theo, lung linh trên mái tóc bạch kim như một vầng hào quang viền trên gương mặt người mẹ. Trên tay bà là một bức ảnh chụp nơi chôn George. Bà nhìn bức ảnh rồi lại nhìn cây xương rồng biển như để so sánh loài cây trong chậu với loài cây trong bức ảnh trên mộ con bà có phải là một hay không. Linh cảm bấy lâu nay của người mẹ đã mách bảo bà có một loài cây, loài cây trong chậu cảnh nhà John bao nhiêu năm qua đã chở che nơi George yên nghỉ.

John muốn nói lời chúc mừng nhưng cổ ông nghẹn cứng. Không! Tay John vỗ nhẹ vào lưng bà thay một lời an ủi. Thưa bà Edwood! Hỡi nhũng người mẹ trên thế gian này: Chiến tranh là chiến tranh. Chẳng lẽ nó có thể biến nỗi đau của người mẹ mất con thành hạnh phúc khi người ta tìm được hài cốt của họ. Hỡi Thượng đế, có phải khi đi tới tận cùng nỗi đau, hay con người  mê muội, giản đơn và tẻ nhạt, cả tin vào những điều phỉnh mị mới có thể hoan hỉ, dễ dàng dung nạp, chấp nhận những điều phi lý thế! John lắc đầu và như muốn vùng bỏ chạy. Không phải bỏ chạy khỏi căn phòng cùng nỗi hân hoan của bà Edwood mà như muốn bỏ chạy khỏi chính mình bởi không đủ can đảm đối mặt với những gì hiện hữu trong căn phòng này. Đi qua một cuộc chiến tranh, bí ẩn của nó như vẫn đang còn thách thức, so găng cùng sự tỉnh táo của ông. Điều ông có thể nói được lúc này là:

- Bà cho phép tôi được đem cây xương rồng biển trồng lên mộ George bên cây thánh giá ...

Cảm kích trước tấm lòng của John, bà Edwood đã kể rất chi tiết cho John biết việc trước lúc nhận lá cờ về sự hy sinh của George cho nền tự do của Hợp chủng quốc, bà đã bí mật thuê làm xét nghiệm ADN để xác định chính xác hài cốt của George và... người ta đã loại ra được những mảnh xương không trùng hệ. Theo lời các chuyên gia thì đó là những mảnh xương của người bản xứ.

Mắt John sầm tối. Ông vội vã thả người xuống đi văng như một phản xạ.

... Năm 1972, quân đội Việt Nam cộng hoà cùng với thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ đã giành nhau với bộ đội Bắc Việt từng tấc đất trên chiến trường Quảng Trị. Những hố bom pháo của hai bên chồng lấp lên nhau khi mỗi tấc đất thuộc phía bên này hay phía bên kia và ngược lại từng giờ. Dưới công sự, những người lính hai bên chiến tuyến trần lưng hứng bom, gội pháo. Thị xã Quảng Trị, Thành cổ, huyện lỵ Hải Lăng, những cao điểm phía Tây đường 1A và nam Cửa Việt luôn là những địa danh tử thủ của cả hai bên. Pháo chồng lên pháo, đạn cày trên đạn và... những người lính hai bên xếp lớp lên nhau tử trận. Thi thể họ vung, nát vào nhau cùng vùi trong cát và những điều bà Edwood vừa kể không có gì khó hiểu.

*     *     *

 Vun nắm đất cuối cùng vào gốc cây xương rồng biển trên mộ George. John có cảm giác như mình đang sống trong môi trường không trọng lượng. Yên ắng đến rợn người. Bầu trời Cali xanh ngỡ như không tưởng. Nắng vàng, trong như thứ rượu vang vừa tìm được trong hầm cổ mà vẫn lạnh ghê người John xốc cao cổ áo và chợt thấy cây xương rồng run rẩy, se sắt và nhỏ thó.

Để được chia xẻ nỗi hoang mê, ông tìm đến một người bạn cũ ở Đại học Boston, người có thể coi là một nhà Việt Nam học, trong một quán rượu ngoại ô.

- Bạn hãy đưa những mảnh xương không trùng hệ vào bảo tàng chiến tranh với lời một chú giải: - Tìm thấy những mảnh xương của người Giao Chỉ trên đất Mỹ. Báo chí, các kênh truyền hình của nước Mỹ, của cả thế giới sẽ giúp bạn thành một người nổi tiếng. Các nhà khảo cổ, nhân chủng, dân tộc học và những triết gia sẽ phải gửi danh thiếp cho bạn với mong muốn được hợp tác. Ok?

John nhăn mặt uống cạn ly Whisky:

- Tàn nhẫn quá. Người Mỹ chúng ta...

 ... Tiếng cười như từ thế giới bên kia rùng rợn và mê hoặc. Họ uống rượu trong im lặng .

- Tôi sẽ trở lại Việt Nam.

 -  ...

 - Tôi sẽ... đưa họ về Tổ quốc.

Vị giáo sư cười đến rơi cả kính, đầu lắc lư  khiến mái tóc dài lăng qua lăng lại như phù thuỷ bỗng gục xuống như vừa thoát xác, giọng thê thảm:

 - Giá như trước lúc sang tham chiến ở Việt Nam, những người lính của chúng ta cũng nghĩ được điều này. Ông lau kính và cái đầu lại lắc lư như phù thuỷ...

 - David John, bạn yêu quý của tôi, không chỉ người Mỹ chúng ta mới coi trọng việc đi tìm hài cốt. Người Á Đông từ trước Công nguyên đã coi đó là đạo đức phả hệ. Tuy nhiên, tôi cần nhắc bạn một điều: Chính nghĩa luôn thuộc về kẻ chiến thắng, nếu những mảnh xương kia lại thuộc về kẻ chiến bại thì bạn nghĩ sao? Về việc này, bạn có thể bị kết tội về một âm mưu khơi dậy lòng hận thù dân tộc đấy!

 - Thắng hay bại là chuyện của thời thế. Còn bây giờ, họ cũng đang muốn khép lại quá khứ.

  - Bạn chắc chứ?

  Chỉ có tiếng cụng ly.

Trước lúc chia tay họ ôm nhau như cả hai sắp đi làm thiên sứ.

*     *     *

Sau một đêm nghỉ ở Sài Gòn, John vội vã khoác ba lô ra Quảng Trị theo chuyến lữ hành.

Nắng vẫn chang chang trên những triền cát trắng cùng những ngọn gió Lào khô khốc. John chọn một nhà nghỉ bình dân và ăn trong những quán cơm dân dã. Đêm Quảng Trị dài theo những giọt cà phê đắng. Ông yên lặng đến mấy ngày, tự ém mình vào lẻ loi, cố xua đi những mặc cảm và cuối cùng không thể chịu đựng nổi.

 - Cà phê Ban Mê ? Thưa cô.

 - Dạ! Không, đó là cà phê chồn A Lưới.

 - Cà phê A Lưới? A Lưới - Khe Sanh. A Lưới - Cồn Tiên... A Lưới...

Hoa xương rồng...

Cô nhân viên phục vụ gật đầu lia lịa. Hai bím tóc đen ngoe nguẩy đến ngây thơ. John chợt hiểu họ là những thế hệ sinh ra trên mảnh đất này đã hết mùi thuốc súng. Có thể họ biết về cuộc chiến tranh ngay trên đất nước họ còn ít hơn một người nước ngoài như John chẳng hạn và ông cũng chợt nhận ra, kịp ghìm mình để không vồn vã, không đi quá xa trong vai trò một khách lữ hành trong một tour du lịch hơn là một lính thủy quân lục chiến đã từng có mặt nơi đây.

  ... Ông đã đến Khe Sanh, Tà Cơn, Dốc Miếu... những địa danh mà cho đến bây giờ, cảm giác ớn lạnh vẫn trùm lấp về những đợt phản pháo, những đợt oanh kích bằng không quân của đối phương. Những cánh rừng đại ngàn trụi lá, trơ những cành sau một đêm  bị chất độc dioxin trút xuống. Hơn ba mươi năm, mảnh đất này đã thực sự hồi sinh với những màu xanh của những vườn tiêu, cà phê và cây trái. Thời gian chưa dài với những hội chứng về một cuộc chiến tranh nhưng sau những gì choáng ngợp của cảm xúc, sự bình yên của một đất nước hoà bình cũng cho John sự an bằng, tự tại.

John đã đến nghĩa trang Trường Sơn. Nắng loá sáng trên những hàng bia mộ trắng xoá, mênh mông cả một vùng đồi thoai thoải...

Giá như năm 1965, người Mỹ không ồ ạt đưa quân vào Việt Nam thì cuộc chiến sẽ không kéo dài sau mười năm... Khoảng không gian trên những hàng bia mộ kia sẽ được thu hẹp lại và, nếu như trước đó mười năm, đôi bên có thể ngồi thương lượng, thậm chí mặc cả với nhau (John nghĩ thế) thì  kết cục có thể sẽ đi theo một chiều hướng khác...

 John trở về Đông Hà sau hai ngày lặn lội. Mệt mỏi và bế tắc. John đã tìm hiểu và hỏi những người đang làm việc ở nghĩa trang. Họ có lý hơn là John vẫn tưởng. Những mảnh xương mà John mang theo ngay cả chính ông cũng không biết rõ về nguồn gốc. Vả lại, nơi đây chỉ dành riêng cho những con người đã dũng cảm hy sinh cho nền độc lập, thống nhất và tự do của một đất nước...

Đêm ấy ở nhà nghỉ, John rót đầy hai ly rượu.

Cụng ly rồi một mình độc ẩm.

Sóng biển. Tiếng hát ngàn năm của những cành dương. Tiếng cát xô và cả những tiếng dô huầy của những ngư dân trên bến kéo thuyền sau chuyến đánh bắt xa bờ đã đưa ông vào giấc ngủ: Ngủ mụ mẫm, ngủ một cách yên lành như con trẻ. 

*     *     *

Những tia nắng lọt qua tán phi lao nô giỡn trên khuôn mặt đỏ au, rám nắng của John. Buổi sáng, biển như trẻ trung hơn trong cánh áo xanh sáng nhạt. Những con sóng nhỏ thong thả theo nhau trườn nhẹ lên cát trắng, bải hoải sau một đêm sung mãn.

 Những đứa trẻ vận quần xà lỏn đuổi nhau trên cát. Chúng rượt đuổi nhau và đuổi theo những con cúi như những quả cầu mây nhẹ tâng lăn tròn xuống dốc. John không hiểu chúng nói những gì, la hét những gì mà vô tư, mê mải. Ông chỉ có thể cảm nhận được thứ âm thanh ríu ran, trong trẻo ấy như một đàn chim sẻ đồng mới tập chuyền, tập hót. Chừng như đã rát lưng, chúng cùng ùa xuống biển. Chúng nhảy tâng tâng trên đầu những con sóng lăn tăn và xoãi mình nằm sấp cho sóng trườn lên phủ kín thân hình bé bỏng. Đất và nước đối với trẻ con là những thứ gần gụi và cũng rất giản đơn trong những trò chơi. Còn người lớn thì vẫn quen dùng cụm từ này để nói về sở hữu riêng, về sự đắc địa, độc cứ của những vùng, miền, lãnh thổ...

 Tiếng la hét rộn ràng của lũ trẻ cắt ngang dòng suy tưởng của John và, niềm vui trẻ thơ bỗng tràn ngập trong ông. John chạy ào xuống biển. Ông công kênh lũ trẻ, đưa chúng ra tận xa tít khiến chúng có phần hoảng sợ. Đừng lo, nước của Thái Bình Dương đấy! Biển Cửa Việt hay biển Cali cũng đều có màu xanh và vị mặn mòi muôn đời của cuộc sống...

*     *     *

Đã đến ngày về nước, John gói ghém một vài thứ quà lặt vặt và, trong hành trang trở về có thêm một gói cát trắng Quảng Trị. John sẽ đem về và rải nó lên gốc cây xương rồng biển trồng trên mộ George.

Trong chuyến du lịch viếng thăm Quảng Trị lần này, có một điều tưởng như rất đơn giản mà bấy lâu nay John cứ trăn trở mãi: Sau nhiều năm bên Mỹ, cây xương rồng vẫn chưa một lần đơm nụ. Bởi chỉ sống trên mảnh đất nắng gió này, cây xương rồng biển mới trổ hoa.