Hơn 130 phiên bản tài liệu, hình ảnh, bản đồ, bản vẽ kỹ thuật… phản ánh đời sống sinh hoạt, văn hóa của người Hà Nội đã được trưng bày trong triển lãm “Hoài niệm Hà Nội phố” diễn ra từ ngày 6/9 - 31/12. Triển lãm chia làm 3 chủ đề: Từ nhượng địa Pháp đến khu phố Tây, Phố cổ Hà Nội, Thành Hà Nội và phụ cận.
Những bức ảnh đen trắng, những yết thị bằng tiếng Pháp, tiếng Việt và tiếng Hán… mang tính chuyên ngành lưu trữ nhưng được đánh giá là tư liệu quý lần đầu tiên được công bố công khai đến công chúng. Ở từng phần của “Hoài niệm Hà Nội phố” người xem không chỉ chứng kiến những góc kiến trúc rất đặc trưng khu phố cổ – nơi lưu giữ dấu ấn của một “Hà Nội 36 phố phường” thuở xưa; Thành cổ Hà Nội với quy mô và kiến trúc độc đáo; Văn Miếu Quốc Tử Giám – trường đại học lâu đời nhất Việt Nam; thắng cảnh Hồ Tây cùng nhiều di tích lịch sử bao quanh; hồ Hoàn Kiếm với cầu Thê Húc, tháp Rùa, đền Ngọc Sơn cùng các công trình mang đậm phong cách kiến trúc Á – Âu thời Pháp thuộc… mà còn thấy một đời sống tiểu thương tấp nập, một đời sống phố thị thời bấy giờ.
Triển lãm “Hoài niệm Hà Nội phố” là cuộc gặp gỡ của những người yêu Hà Nội. Ban tổ chức mong muốn cuộc gặp đó không chỉ dành riêng cho những người nghiên cứu, các chuyên gia mà cho cả công chúng đang gắn bó với Thủ đô. |
Đặc biệt, công chúng cũng được xem một yết thị cho thấy tính dân chủ rất lớn trong quản lý đô thị thời bấy giờ. Yết thị ngày 2/5/1925 thông báo về việc mở rộng phố Hàng Đậu ra 20 thước Tây. Yết thị nêu rõ: TP sẽ mở cuộc khảo sát công về việc mở rộng phố Hàng Đậu, giấy tờ liên quan được để tại Tòa đốc lý Hà Nội. Nhân dân có thể đến xem và khiếu nại hay thiệt thông qua việc biên vào quyển sổ riêng đặt tại đó. Bằng yết thị này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng dù đó chỉ là bản dân chủ thuộc địa, nhưng từ thời đó người dân được tham gia vào việc xây dựng đô thị. Nhà cai trị có sử dụng thủ thuật bảo vệ quyền lợi của chính quyền nhưng họ tuân thủ nguyên tắc mô hình dân chủ phương Tây.
Triển làm còn trưng bày các văn bản khác về việc mở rộng đường phố, đặt tên phố. Trong đó có Nghị định số 571 ngày 2/9/1930 của quan cai trị - Đốc lý Hà Nội về việc bổ nhiệm một Ủy ban lựa chọn tên của một số người Pháp hoặc người An Nam để đặt tên cho những tuyến đường của TP đang được đánh số. Quy luật đặt tên thời đó cho đến ngày nay vẫn còn nhiều điều phải học hỏi.
Hay nhưng còn vắngTriển lãm được đặt tại không gian triển lãm Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (số 18 Vũ Phạm Hàm, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Phát biểu tại lễ khai mạc, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết: “Điểm mới của triển lãm này là phương thức biểu hiện. Nghệ thuật sắp đặt và thiết kế kiến trúc không gian kết hợp với những tài liệu, hiện vật phiên bản, hình ảnh công nghệ hiện đại... khiến triển lãm không đơn thuần là nơi trưng bày, giới thiệu các tài liệu lưu trữ, mà thực sự là không gian sinh động, nơi quý khách có thể chiêm ngưỡng, hòa mình và cảm nhận”.
Đúng như lời ông Tùng, không gian triển lãm “Hoài niệm Hà Nội phố” được bố trí rất hiện đại. Cổng vào triển lãm không phải trang trí thông thường mà tái dựng chiếc cổng từ hình ảnh Ô Quan Chưởng. Ngay sau khi bước vào không gian triển lãm là chiếc xe kéo thể hiện lối sống của Hà Nội đầu thế kỷ XX, rồi đến 3 chủ đề của triển lãm. Các chủ đề được thể hiện đa dạng dưới dạng hình ảnh, thước phim tư liệu… Khách tham quan triển lãm còn được tìm hiểu về kỹ thuật cũng như chế độ bảo quản các tài liệu lưu trữ quốc gia và các di sản tư liệu thế giới hiện đang được bảo quản tại đây. Tuy nhiên, sau 3 ngày mở cửa, triển lãm mới chỉ đông lúc khai mạc, thời gian còn lại rất vắng vẻ. Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, trong 3 tiếng chiều ngày 7/9 chỉ có 2 khách tham quan. Tại cuốn sổ ghi cảm tưởng sau 3 ngày khai mạc có 2 ý kiến, một phần dành khen cho nội dung triển lãm, phần còn lại đều ý kiến về sự vắng vẻ, chưa nhiều người biết đến.