Điều này đồng nghĩa với việc, Bộ GTVT chính thức thừa nhận không thể hoàn thành được nhiệm vụ mà Chính phủ giao trước đó, là đưa dự án đường sắt đô thị này “cán đích” trong năm 2020.
Từ vị thế của một dự án mẫu được cả nước chờ đợi, Bộ GTVT đã biến đường sắt Cát Linh - Hà Đông thành điển hình của dự án sa lầy tiến độ. |
Tại sao lại nói như vậy? Thứ nhất, trong nhiều năm qua, liên quan đến tuyến đường sắt đô thị này, rất nhiều lần Bộ GTVT khẳng định như đinh đóng cột rằng sẽ đưa dự án “về đích” vào thời điểm này, vào năm tháng kia nhưng chưa một lần nào làm được. Cái gì nghe mãi cũng chán, nhất là những lời hứa. Thứ hai, việc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không thể đưa vào khai thác thương mại trong năm 2020 là điều đã nằm trong dự đoán của nhiều người. Sự xuất hiện và bùng phát của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nước ta. Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không phải là một ngoại lệ. Dịch bệnh khiến nhiều hoạt động giao thương với quốc tế buộc phải tạm dừng, các đoàn chuyên gia làm việc tại dự án đường sắt đô thị này cũng không thể có mặt theo đúng kế hoạch ban đầu vì Covid-19. Bởi thế, việc dự án không được nghiệm thu, đánh giá an toàn hệ thống để có thể đưa vào khai thác thương mại là điều tất yếu.Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại. Việc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông “về đích” chậm trong năm 2020 có thể được dư luận và Nhân dân cả nước thông cảm. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Bộ GTVT có thể ca tiếp điệp khúc “hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều” một lần nữa.
Từ vị thế của một dự án mẫu được cả nước chờ đợi, Bộ GTVT đã biến đường sắt Cát Linh - Hà Đông thành điển hình của dự án sa lầy tiến độ. Mong rằng, lời cam kết về tiến độ dự án lần này của Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ chuẩn nghĩa cam kết, không bị đánh tráo khái niệm, bởi mọi sự kiên nhẫn đều có giới hạn. Hơn nữa, đây không chỉ đơn thuần là lời hứa được đưa ra từ một cá nhân mà chính là sự cam kết cho danh dự, uy tín của cả một cơ quan cấp bộ trước dư luận và Nhân dân cả nước.