Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã nhận được kiến nghị của cử tri TP Hà Nội do Ban Dân nguyện của Quốc hội chuyển tới. Trong đó, cử tri các quận, huyện, thị xã đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế, chính sách để phát triển và mở rộng quy mô, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học được xem là giải pháp quan trọng trong giai đoạn tới |
Liên quan tới nội dung trên, Bộ NN&PTNT đã có văn bản phản hồi. Bên cạnh việc đồng tình với ý kiến của cử tri TP Hà Nội, Bộ NN&PTNT cho biết hiện nay Chính phủ, các bộ ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách (vẫn còn hiệu lực) để đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn.
Có thể kể tới là Nghị định số 57/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hiện, Bộ KH&ĐT đang tiếp tục lấy ý kiến tham gia để điều chỉnh Nghị định trên, trong đó có bổ sung hạng mục hỗ trợ khôi phục và phát triển ngành chăn nuôi lợn đáp ứng yêu cầu an toàn dịch bệnh.
Quyết định số 50/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả của chăn nuôi nông hộ” hiện vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, đứng trước áp lực của vấn đề dịch bệnh, môi trường và thị trường, Bộ NN&PTNT cho biết trong thời gian tới sẽ có những chỉ đạo cụ thể về việc tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1520/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2045. Trong đó đã nêu đầy đủ định hướng và các chính sách phát triển ngành chăn nuôi nói chung và lĩnh vực chăn nuôi lợn nói riêng theo chuỗi liên kết, gắn với giết mổ tập trung và chế biến sâu.
Riêng ngành hàng thịt lợn, vẫn được Bộ NN&PTNT xác định là ngành hàng quan trọng nhất trong lĩnh vực chăn nuôi, sẽ được cơ cấu lại theo hướng trang trại, công nghiệp và các hộ chuyên nghiệp đảm bảo an toàn sinh học. Chủ trương chung của Bộ là không khuyến khích mở rộng quy mô đàn mà phát triển theo hướng năng suất, chất lượng cao, giá thành hạ nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, cùng với những chính sách kể trên, thời gian tới, Bộ sẽ chủ động phối hợp với các bộ ngành liên quan triển khai xây dựng, điều chỉnh, bổ sung một số chính sách có liên quan đến đất đai, tín dụng, thương mại, bảo hiểm vật nuôi… Mục tiêu là thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.