Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoàn thiện hệ thống định mức - giá xây dựng: Bảo đảm tính đúng tính đủ

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/6, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp về phương pháp xác định định mức cơ sở.

Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan tiến hành xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện để công bố hệ thống gần 20.000 định mức xây dựng. Trong số đó, chủ yếu tập trung hoàn thiện hệ thống định mức dự toán phục vụ lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; định mức dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị để quản lý chi phí dịch vụ đô thị.
Hội thảo lấy ý kiến đóng góp về phương pháp xác định định mức cơ sở. 
Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng Phạm Văn Khánh khẳng định, hệ thống định mức là cơ sở quan trọng cho các chủ thể tham gia trong quá trình đầu tư xây dựng, hoạt động dịch vụ đô thị đối với các dự án đầu tư xây dựng và dịch vụ đô thị sử dụng vốn nhà nước (vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách) cũng như dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Hệ thống định mức tương đối đồng bộ và bao trùm hầu hết các khâu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và dịch vụ đô thị. Hệ thống định mức xây dựng hiện nay gồm định mức do Bộ Xây dựng đã công bố, định mức chuyên ngành của các Bộ và định mức đặc thù từ các địa phương.

Ngoài ra, hệ thống định mức dự toán từng bước rà soát, sửa đổi trên cơ sở cập nhật các nội dung sửa đổi, bổ sung của hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật thi công và nghiệm thu công trình xây dựng; cập nhật các loại vật liệu mới, công nghệ thi công mới được đưa vào sử dụng trong xây dựng công trình. Nhờ đó, loại bỏ những định mức lạc hậu, không còn phù hợp với tiêu chuẩn, công nghệ thi công.

Theo ông Khánh, phương pháp tính toán và điều chỉnh định mức đã được đổi mới nên cơ bản đáp ứng được các yêu cầu quản lý để phục vụ công tác xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và chi phí dịch vụ đô thị.

"Chuyển đổi từ định mức dự toán sang định mức cơ sở là để lập đơn giá. Khác định mức lập dự toán trước là lập theo điều kiện chuẩn, sau đó nhân hệ số chuyển đổi, đó là định mức dự toán. Còn định mức chuyển đổi cũng là định mực để lập đơn giá nhưng phương pháp xác định định mức khác một chút; phải đi điều tra từ thực tiễn, phù hợp với thực tiễn về công nghệ, về điều kiện thực hiện và về mặt bằng năng suất" - ông Khánh phân tích.

Bất kỳ quốc gia hay ngành nào đều muốn đạt hiểu quả gần với thực tế nhất. Đấy chính là bản chất của quản lý cơ chế thị trường. Mọi thông tin quản lý xuất phát từ thực tế, đi khảo sát cụ thể phần việc đang triển khai. Đấy là giá trị lớn nhất mà phương pháp này mang lại, bảo đảm nguyên tắc tính đúng tính đủ.

"Còn việc tuyệt đối không bao giờ có vì đó chỉ là căn cứ để lập dự toán. Sau đó, có giá gói thầu cho sát với thực tế nhất, để khi đấu thầu không bị vỡ thầu hay gây thất thoát lãng phí đối với các dự án đầu tư công" ông Khánh chia sẻ.

Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - Đại học Kiến trúc Hà Nội nhận xét, định mức của ngành xây dựng lâu nay cũng đã có nhiều đổi mới phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua, việc rà soát, làm mới định mức chưa được trọn vẹn.

Bởi vậy, Quyết định 2038 của Chính phủ phê duyệt đề án hoàn thiện hệ thống định mức đơn giá và xây dựng là chủ trương rất đúng trong việc xác định lại mức và giá. Chi phí của ngành xây dựng phụ thuộc chính vào định mức. Nếu định mức chuẩn thì giá sẽ chuẩn và chi phí cho công trình sẽ chính xác hơn.