Hoàn thiện Luật, tiết kiệm năng lượng hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng xanh
Kinhtedothi- Nếu không sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả, mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 sẽ là thách thức lớn đối với Việt Nam. Dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi) đang được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các rào cản, hoàn thiện hành lang pháp lý để khuyến khích doanh nghiệp và toàn xã hội chuyển đổi xanh hiệu quả, bền vững.
Sửa để phù hợp thực tiễn
Năng lượng đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, nhu cầu năng lượng tăng mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và tăng trưởng kinh tế cao. Giai đoạn 2010–2019, tiêu thụ năng lượng sơ cấp tăng bình quân 6%/năm; riêng điện thương phẩm tăng đến 9,71%/năm trong giai đoạn 2010–2021.
Dự báo trong những năm tới, nhu cầu năng lượng tiếp tục tăng cao. Do đó, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không chỉ góp phần nâng cao hiệu suất nền kinh tế, bảo vệ tài nguyên và môi trường, mà còn là yếu tố then chốt để Việt Nam thực hiện cam kết tại Thỏa thuận Paris và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ban hành năm 2010 đã tạo nền móng ban đầu trong việc thiết lập các giải pháp kỹ thuật, cơ chế ưu đãi và nâng cao nhận thức xã hội về tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế và công nghệ thay đổi nhanh chóng, luật hiện hành bộc lộ nhiều bất cập, thiếu tính cập nhật và chưa theo kịp thực tiễn.
Do đó, việc sửa đổi Luật là hết sức cần thiết, nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đồng thời giải quyết các vướng mắc thực tiễn, tăng hiệu quả quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tuyên truyền cho người dân sử dụng điện năng lượng tiết kiệm. Ảnh: Khắc Kiên

Công nhân ngành điện kiểm tra đảm bảo cung cấp điện.
Đột phá để tiết kiệm và hiệu quả
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Đặng Hải Dũng nhìn nhận, thách thức đặt ra trong bối cảnh mới là tiêu chuẩn của thị trường quốc tế và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó, chính sách cần tạo điều kiện cho dự báo nhu cầu năng lượng để chủ động hoạch định chiến lược sản xuất, cung ứng, sử dụng năng lượng.

Hướng dẫn dùng công nghệ kiểm tra việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả tại doanh nghiệp. Ảnh: Khắc Kiên
Thứ nhất, các thị trường nước ngoài hiện đều đưa ra những hàng rào kỹ thuật dưới dạng những tiêu chuẩn xanh, tiêu chuẩn ESG đặt lên cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Khi ra thị trường quốc tế, những hàng hóa này phải đảm bảo là những hàng hóa tiêu thụ rất ít năng lượng, phát thải ít ra môi trường,… Riêng đối với thị trường châu Âu, từ năm 2026 bắt đầu áp dụng thuế carbon, kiểm đếm lượng phát thải như carbon trên sản phẩm xuất khẩu.
"Đây là lần đầu tiên họ chính thức chuyển từ hàng rào kỹ thuật sang hàng rào thuế quan. Có thể thấy rằng 80% phát thải của các sản phẩm nằm ở phát thải từ các quá trình đốt năng lượng để sản xuất trong toàn bộ quá trình sản xuất, còn lại 20% mới liên quan đến việc xử lý chất thải, xả thải… " - vị này nói.
Thứ hai, liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng. Đây là điều có thể thấy qua thời kì Covid-19. Những biến động chính trị ảnh hưởng trực tiếp lên chuỗi cung ứng, đặc biệt là chuỗi cung ứng năng lượng, những thay đổi giá dầu, giá khí,… cũng sẽ làm mất chủ động trong việc hoạch định về thị trường, hay chính sách sản phẩm của từng quốc gia. Luật sửa đổi thời gian tới sẽ xử lý được tiếp 2 thách thức lớn nhất là thị trường quốc tế và chuỗi cung ứng để có dự báo được tốt hơn.
Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) Đặng Hải Dũng cho hay, Nghị quyết 55-NQ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị đã đặt ra những vấn đề liên quan đến phát triển năng lượng, các yêu cầu trong quá trình xây dựng chính sách về năng lượng nói chung và TKNL nói riêng.
Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp về quản lý, Nghị quyết 55 cũng đưa ra những công cụ mới để hỗ trợ cho việc sử dụng NLTK, hiệu quả, chẳng hạn như những công cụ về tài chính, như các quỹ hỗ trợ - đây là một trong những nội dung mới. Trên nền quỹ có công cụ như ESCO, tạo môi trường cho các công ty dịch vụ năng lượng có thể triển khai các nội dung liên quan đến hỗ trợ DN thay đổi dây chuyền sản xuất hoặc thực thi những quy định về ESG,…
Ông Nguyễn Phương Tuấn thông tin, Dự án Luật sửa đổi bám sát 4 nhóm chính sách đã đề ra: nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; quản lý phát triển đối với các công ty dịch vụ kiểm toán năng lượng hay là về phát triển nguồn nhân lực; ưu đãi về tài chính, đó là lập ra quỹ thúc đẩy phát triển sử dụng NLTK và hiệu quả; chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất, đó là về dán dán nhãn năng lượng.
Ở đây có chính sách 2 và chính sách 3 là chính sách về đáp ứng những yêu cầu của của thị trường; còn chính sách 1 và chính sách 4 là những chính sách đang kế thừa lại những quy định của luật hiện hành.
"Quỹ thiết kế theo hướng xã hội hóa và sẽ hoạt động theo phương hướng bảo toàn nguồn vốn. Quỹ được vận hành chính thức sẽ được tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi, có thể huy động được từ các tổ chức quốc tế. Những hỗ trợ này có thể thông qua công cụ lãi vay, bảo lãnh vốn và rất nhiều các công cụ tài chính" - ông Đặng Hải Dũng nói.
Cùng với đó, các chính sách khác mà hiện nay Đảng, Quốc hội, Chính phủ đang ban hành, các DN cũng sẽ được hỗ trợ bởi các chính sách này khi tham gia vào các hoạt động TKNL, môi trường xã hội,…
Ông Đặng Hải Dũng kì vọng, sau khi Luật ban hành sẽ có hệ thống văn bản dưới luật đồng bộ, quy định, hướng dẫn chi tiết. Mỗi bộ, ngành sẽ xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, chế tài trong lĩnh vực mình phụ trách. Tăng cường đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý năng lượng.
Ngay sau khi Luật được ban hành, cần khẩn trương triển khai ngay việc hoàn thiện, ban hành văn bản pháp luật mới ở cấp độ dưới luật để hướng dẫn thực thi Luật được đồng bộ, hiệu quả, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích các hoạt động sử dụng NLTK hiệu quả...

Báo chí tiên phong lan tỏa thông điệp tiết kiệm năng lượng trong xã hội
Kinhtedothi - Để hiện thực hóa mục tiêu chung tay sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, báo chí và truyền thông đóng vai trò tiên phong trong việc lan tỏa thông điệp, định hướng nhận thức và thúc đẩy hành động trong toàn xã hội...

Tiết kiệm năng lượng trong sản xuất - hướng đi nào cho Việt Nam?
Kinhtedothi - Việc áp dụng cùng lúc nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng có thể giúp các doanh nghiệp sản xuất tiết giảm chi phí lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm.

Tiết kiệm năng lượng để hướng tới xanh hóa nền kinh tế
Kinhtedothi - Trong khuôn khổ Contech Vietnam 2024, nhiều chia sẻ hữu ích cho doanh nghiệp được đưa ra tại Hội thảo "Tiết kiệm năng lượng và Năng lượng xanh" do Hội Điện lực Việt Nam phối hợp cùng Công ty Hadifa tổ chức ngày 19/4.